Việt Trì ngày nay là đô thị loại 1 đã được Chính phủ phê duyệt mục tiêu xây dựng thành “Thành phố Lễ hội về với Cội nguồn dân tộc Việt Nam”, là nơi hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành hai di sản của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Hiện tại, thành phố đã và đang hình thành, xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng - trung tâm thành phố - Bến Gót, Bạch Hạc; duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương trên địa bàn và tổ chức các lễ hội mới để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường liên kết với các địa phương trong tỉnh, trong vùng, các trung tâm du lịch, đối tác trong và ngoài nước để hình thành các khu du lịch - dịch vụ.
Việt Trì đã và đang trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng trong hành trình khám phá vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam với 35 lễ hội đặc sắc, trong đó tiêu biểu là Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang với hội thi bơi trải truyền thống trên sông Lô và Lễ hội văn hóa dân gian đường phố. Nhiều lễ hội độc đáo khác vẫn đang được cộng đồng địa phương gìn giữ và tổ chức thường niên, hàng năm thu hút đông đảo du khách.
Trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục có những điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Việt Trì gắn với Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Hùng đến năm 2025 và Khu du lịch quốc gia đền Hùng. Trong đó nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính để tạo lập vị thế mới cho thành phố Việt Trì, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố, tạo động lực phát triển cho vùng và tỉnh. Hiện nay, Việt Trì đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cụ thể xây dựng Thành phố Lễ hội về với Cội nguồn dân tộc Việt Nam, cụ thể như sau:
Xây dựng cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch gắn với giá trị văn hóa vùng đất Tổ như du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, lễ hội; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối trong tỉnh với vùng Tây Bắc; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc với thành phố Hồ Chí Minh, tạo thông điệp ấn tượng, mạnh mẽ “Việt Trì một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, chất lượng và an toàn”.
Chú trọng đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới, các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (hát xoan, múa dân gian…). Tập trung đào tạo nhân lực du lịch có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Định hình đặc trưng riêng của Thành phố Lễ hội về với Cội nguồn dân tộc Việt Nam (trang phục, thái độ ứng xử đậm chất truyền thống vùng đất Tổ).
Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách, định vị thị trường, nắm bắt xu thế và nhu cầu xã hội về du lịch. Áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Phú Thọ.
Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công cộng, đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ du lịch hấp dẫn, phong phú. Nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ khách du lịch tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố…
Đến với Việt Trì, du khách sẽ được trải nghiệm những không gian lễ hội mang màu sắc và hơi thở in đậm dấu ấn dân gian, đang góp phần đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời thu hút, tạo ấn tượng với du khách khi về với Việt Trì, góp phần để thành phố sớm hoàn thành mục tiêu: trở thành Thành phố Lễ hội về với Cội nguồn dân tộc Việt Nam. n
NGUYỄN HIỆP