Trung Quốc chủ động áp sát, đâm va vào tàu cá Việt Nam. Các lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế, không mắc mưu của Trung Quốc.
Cụ thể, khi các tàu Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 ở khoảng cách 7 hải lý liền bị các tàu Hải cảnh cùng 2 tàu kéo và 3 tàu không số áp sát, cản trở, chủ động đâm va, phun nước làm 1 tàu Kiểm ngư của Việt Nam bị hỏng máy lái và hỏng hệ thống ăng ten thông tin.
Về phía Việt Nam, lực lượng vẫn duy trì như ngày 15/5. Các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn thường xuyên bám sát, hỗ trợ các tàu cá và ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động tại ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Việt Nam vẫn kiên trì theo chủ trương hành động kiềm chế, không để phía Trung Quốc kích động để có bất kỳ hành động manh động nào.
Các tàu cá của Việt Nam bị tàu sắt Trung Quốc đâm, va chỉ bị hỏng những phần phụ còn máy móc vẫn hoạt động tốt và vẫn duy trì hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên biển. Hiện nay có khoảng 30 - 40 tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên ngư trường truyền thống gần khu vực giàn khoan.
![](http://tapchidulich.net.vn//uploads/images/Nam2014/Thang5/image001(14).jpg)
Tàu Trung Quốc luôn luôn cản trước mũi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 (Ảnh: Lao Động)
*Chủ tịch nước: Không nhún nhường, nhân nhượng
![](http://tapchidulich.net.vn//uploads/images/Nam2014/Thang5/image002(5).jpg)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 16/5/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: “Khi tình hình đất nước khó khăn, bên cạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh. Càng khó càng phải bình tĩnh, bình tĩnh mới có phương án tốt. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, Việt Nam phải phản đối.
Chúng ta không bao giờ hung hăng, không muốn xung đột nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình. Đến giờ này, chúng ta hết sức chân thành nhưng không có chuyện nhún nhường hay nhân nhượng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Hoàng Sa - Trường Sa là một cặp từ ngữ không bao giờ những người lãnh đạo đất nước Việt Nam quên. Hoàng Sa là một quận của Đà Nẵng, còn Trường Sa là một quận của Khánh Hòa. Trên thực tế, ngư dân miền Trung liên tục ra đánh cá ở Hoàng Sa, có nhiều lúc bị o ép nhưng ngư dân xem đó là ngư trường đánh cá truyền thống của Việt Nam. Việt Nam đấu tranh hòa bình trước sau như một trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, càng khó chúng ta càng phải đoàn kết xung quang Đảng, xung quanh Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Chúng ta phải thống nhất với nhau một ý chí. Đất nước này từng có hào quang đó trong những cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc.
Chủ tịch nước cũng đề nghị nhân dân cả nước, bên cạnh sự kiên quyết bảo vệ đất nước cũng phải ra sức phát triển kinh tế. Một đất nước nghèo không thể có thực lực mạnh để giữ vững chủ quyền đất nước. Đất nước yếu thì bị người ta ức hiếp thôi, điều này phải nói cho nhau nghe và phải phê phán tham nhũng, lãng phí. Phải biến thách thức thành cơ hội. Tình hình khó thì phải bình tĩnh, có bĩnh tĩnh mới sáng suốt. Bên cạnh sự kiên quyết phải hết sức kiên nhẫn”.
Đề cập việc một số người lợi dụng diễu hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đã kích động công nhân ở Bình Dương đập phá nhà máy, Chủ tịch nước cho biết đây là hành vi hoàn toàn sai trái và sẽ bị xử lý thích đáng.
*Tổng thư ký ASEAN: Giàn khoan Trung Quốc phải rời đi
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: Reuters
Ngày 16/5, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng, Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của khối hiện nay. Tổng thư ký ASEAN cũng cho hay việc làm trên sẽ có tác động tích cực nhằm khôi phục niềm tin vào việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đa quốc gia thông qua đàm phán, đối thoại.
Ông Lê Lương Minh nhấn mạnh hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc gây trở ngại hội đàm trong khu vực, từ đó cho thấy Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002 là không đủ hiệu quả để ngăn chặn các sự kiện tương tự.
Việc thiếu tiến triển trong các nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là đáng thất vọng. Sự kiện gần đây nhất khiến việc tham vấn và đàm phán mang tính thực chất càng trở nên quan trọng.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Myanmar, lần đầu tiên trong 19 năm, các Bộ trưởng ngoại giao ra tuyên bố riêng về Biển Đông, thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những sự việc đang diễn ra và kêu gọi các bên liên quan không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Sau đó, lãnh đạo các nước thành viên thống nhất ra tuyên bố chung Naypytaw, trong đó kêu gọi các bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC)
PV