Yêu cầu bức thiết về liên kết nhằm phát triển sản phẩm đặc thù
Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm có những đặc tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. |
Nằm ở hạ lưu sông Mê Kông - con sông lớn nhất ở Đông Nam Á có chiều dài 4.220km bắt nguồn từ vùng núi Vân Nam (Trung Quốc), ĐBSCL có diện tích tự nhiên rộng và được biết đến như một thế giới sông nước với mật độ sông và kênh rạch dày đặc. Đây là lãnh thổ có diện tích đất ngập nước lớn nhất ở Việt Nam với sự đa dạng về các kiểu sinh cảnh đất ngập nước mà tiêu biểu là sinh cảnh đầm nước nội địa (rừng tràm); sinh cảnh rừng ngập mặn và sinh cảnh biển - đảo.
Sinh cảnh rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ở vùng rìa ven biển trên các bãi lầy mặn và đã từng phủ hết vùng ven biển ĐBSCL nhưng nay đang bị thu hẹp với quy mô lớn. Phần lớn diện tích rừng ngập mặn hiện nay, trên 80% (khoảng 77.000 ha) tập trung ở Cà Mau và Bạc Liêu, đặc biệt ở VQG - Khu dự trữ sinh quyển Đất Mũi.
Sinh cảnh đầm nước nội địa (rừng Tràm) đã từng chiếm hơn một nửa diện tích đất phèn vùng ĐBSCL nay chỉ còn lại ở vùng đất than bùn U Minh (VQG U Minh Thượng và VQG U Minh Hạ) và vùng đất phèn Đồng Tháp Mười (VQG Tràm Chim và KBT đất ngập nước Láng Sen) và đồng bằng Hà Tiên nơi nước ngập theo mùa.
Sinh cảnh biển - đảo tiêu biểu ở vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu ở khu vực Phú Quốc - Hà Tiên nơi còn bảo tồn được nhiều loài sinh vật biển quý hiếm như rùa biển, bò biển (Dugon), các rạn san hô… đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Chính đặc điểm tự nhiên này là nguồn cội hình thành nên giá trị văn hóa sông nước rất đặc trưng trong đời sống cộng đồng ở vùng đất này trải qua hàng trăm lịch sử.
Với đặc điểm nổi trội và phân bố về tài nguyên du lịch như đã đề cập, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL sẽ là:
Du lịch tham quan trải nghiệm những giá trị văn hóa sông nước gắn với cuộc sống cộng đồng (gọi tắt là du lịch sông nước) với không gian tập trung trên sông và vùng ven sông Tiền, sông Hậu nơi có các cù lao Long - Lân - Quy - Phượng thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ;
Du lịch sinh thái tìm hiểu giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học ở các sinh cảnh tiêu biểu của hệ sinh thái đất ngập nước nội địa tập trung ở U Minh (Kiên Giang - Cà Mau) và Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp - Long An); hệ sinh thái đất ngập nước ven biển Đất Mũi (Cà Mau)
Du lịch văn hóa trải nghiệm giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Đờn ca tài tử” với không gian “gốc” tại Bạc Liêu và văn hóa Khmer với không gian tiêu biểu Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu và An Giang.
Trong thực tế, các giá trị văn hóa rất đặc trưng trên ở vùng ĐBSCL khó được sử dụng như “vật liệu cốt lõi” để tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa riêng của vùng mà chúng thường được lồng ghép trong các sản phẩm đặc thù của vùng là du lịch sông nước và du lịch sinh thái đất ngập nước.
Bên cạnh những sản phẩm đặc thù mang tính vùng đề cập ở trên, du lịch biển đảo với không gian tập trung là Phú Quốc - Hà Tiên (Kiên Giang); du lịch tâm linh vùng núi Sam (An Giang) và nhóm sản phẩm du lịch mới hình thành là du lịch sông Vàm Cỏ và du lịch vui chơi giải trí “Happy Land” được xác định là những sản phẩm du lịch có tiềm năng rất quan trọng đối với phát triển du lịch ĐBSCL.
Việc xác định hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch đặc thù chính là căn cứ quan trọng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng ĐBSCL.
Mặc dù quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và một số nghiên cứu khoa học đã định hướng khá rõ về hệ thống sản phẩm và hình ảnh điểm đến vùng ĐBSCL, tuy nhiên cho đến nay việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến quảng bá du lịch vùng ĐBSCL chưa được như mong muốn, ảnh hưởng đến vị thế và sức cạnh tranh du lịch chung của vùng. Điều này được thể hiện rõ qua việc so sánh số lượt khách du lịch đến vùng ĐBSCL và tổng thu nhập du lich của vùng. Theo đó, năm 2013 toàn vùng đón được 1.668.800 lượt khách du lịch quốc tế, bằng 8,3% tổng lượt khách du lịch quốc tế đi lại trong nước; 9.856.500 lượt, bằng 5,8% tổng số lượt khách du lịch nội địa đi lại trong nước; tổng thu nhập từ du lịch của vùng đạt 5.141 tỷ đồng bằng 2,7% tổng thu du lịch của cả nước. Tình trạng hoạt động này của du lịch ĐBSCL không có gì thay đổi nhiều trong suốt thời gian từ 2006 đến nay.
Như vậy có thể thấy để du lịch ĐBSCL có được những “bứt phá” trong phát triển tương xứng với vị thế của vùng trong tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam và du lịch khu vực, đặc biệt là du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cùng hoạt động xúc tiến du lịch vùng. Để thực hiện được vấn đề này, việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL và giữa vùng ĐBSCL với các vùng và địa phương khác, đặc biệt là với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm du lịch khu vực phía Nam và là thị trường nguồn chính của du lịch vùng được đặt ra một cách cấp thiết.
Hiện trạng và những vấn đề đặt ra
So với nhiều vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch. Thứ nhất, là vùng có Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ được xem là tổ chức điều phối hoạt động chung phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong đó có du lịch. Thứ hai, vùng đã thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp du lịch vùng. Thứ ba, tính cách người miền Tây rất cởi mở hợp tác và cầu thị.
Cho đến nay, giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL và giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh đã có một số hợp tác về du lịch, trong đó có hợp tác phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch vùng. Tuy nhiên, những hợp tác này mới chủ yếu dừng lại ở nguyên tắc và chưa phát huy được trong thực tế. Chính vì vậy những lợi thế so sánh của vùng ĐBSCL cũng như của các địa phương trong vùng để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng chưa thực sự phát huy hiệu, quả thông qua đó góp phần nâng cao hơn năng lực cạnh tranh và phát triển của du lịch vùng ĐBSCL, cũng như sự phát triển du lịch của địa bàn trong vùng. Tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái giữa các địa phương trong vùng còn khá phổ biến, làm giảm tính hấp dẫn về sản phẩm du lịch ĐBSCL; hoạt động xúc tiến du lịch mang tính vùng, chưa tập trung vào sản phẩm đặc thù chung của vùng, chưa làm nổi bật hình ảnh du lịch điểm đến ĐBSCL.
Nguyên nhân của thực trạng trên bao gồm:
Nhận thức của các cấp quản lý về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự hợp tác liên kết phát triển du lịch nói chung, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch vùng nói riêng giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với các vùng khác, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh còn hạn chế, mang nặng tính hình thức.
Chưa có đề án chuyên đề về liên kết phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL, trong đó đưa ra được các luận chứng khoa học về bản chất và nội hàm của sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL cũng như xác định rõ lợi thế so sánh của từng địa phương làm căn cứ đề xuất “phân vai” trách nhiệm và lợi ích đối với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, hoạt động xúc tiến du lịch của vùng.
Vai trò của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) chưa được phát huy đầy đủ với tư cách là chủ thể có trách nhiệm đầu mối phối hợp với chủ thể quản lý nhà nước và cộng đồng để liên kết các địa phương mà trực tiếp là các doanh nghiệp du lịch để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL.
Chưa có sự chủ động tiếp xúc, trao đổi cụ thể giữa du lịch ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh về yêu cầu và những nội dung liên kết phát triển sản phẩm đặc thù và xúc tiến du lịch ĐBSCL trên quan điểm đem lại lợi ích cho các bên liên quan và góp phần thúc đẩy liên kết du lịch vùng.
Vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Tổng cục Du lịch trong thúc đẩy hợp tác liên kết phát vùng nói chung, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch ĐBSCL nói riêng thông qua một số dự án hỗ trợ cụ thể là còn hạn chế.
Từ những nguyên nhân trên, để có thể thiết lập và đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng nói chung, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch ĐBSCL nói riêng, một số nội dung/vấn đề sau cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới:
Tổ chức một số diễn đàn để trao đổi, thống nhất nhận thức về sự cần thiết liên kết trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL, đặc biệt là liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch vùng. Hội thảo về “Xúc tiến du lịch đồng bằng sông Cửu Long” do Tổng cục Du lịch chủ trì thực hiện chính là sự hỗ trợ và là một bước đi cụ thể hướng đến sự liên kết này. Với vai trò là chủ thể du lịch vùng, MDTA cần chủ động đứng ra tổ chức những hoạt động tương tự tiếp theo trên cơ sở kết quả của hội thảo này.
Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, quan điểm và những nguyên tắc hợp tác liên kết, các bên tham gia sẽ cùng nhau xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL với tư cách là một điểm đến thống nhất, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch.
Trên cơ sở Đề án trên, một số dự án với những lộ trình thực hiện cụ thể để từng bước đưa liên kết vào thực tiễn sẽ được các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện. Các dự án này cần tập trung đối với những vấn đề mà các bên cùng quan tâm như: xác định căn cứ cho xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; xác định lợi thế so sánh của các địa phương trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù làm căn cứ “phân vai” và chia sẻ lợi ích trong xây dựng và khai thác sản phẩm; liên kết trong nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch vùng với tư cách là một điểm đến quan trọng ở khu vực phía Nam và tiểu vùng du lịch sông Mê Kông mở rông (GMS); hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL; hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch tại vùng ĐBSCL; hợp tác liên kết hoạt động lữ hành kết nối tour để khai thac có hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù; hợp tác trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch.
Xây dựng một số dự án tiền khả thi về nâng cấp hạ tầng du lịch tạo sự liên kết về không gian giữa các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn vùng, đặc biệt trong không gian phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mà các bên cùng quan tâm, trình Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch hỗ trợ như một phần thực hiện chiến lược phát triển các vùng du lịch ĐBSCL./.
PGS.TS. Phạm Trung Lương