Việt Nam - EU thúc đẩy thương mại, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch
Phát biểu khai mạc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Liên minh Châu Âu (EU), các nước thành viên và EuroCham thời gian qua với hơn 15 triệu liều vaccine từ cơ chế Covax, Team Europe, các kênh song phương cũng như Chương trình: Hồi sinh nhịp thở do EuroCham phát động cho Việt Nam.
Thống đốc nhấn mạnh, EU là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam và dấu mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên.
Việt Nam mong muốn hợp tác cùng có lợi với các đối tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, trong đó EU là một trong những đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo.
Tại hội nghị, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham cho biết, trong bối cảnh "bình thường mới" điều quan trọng là phải tập trung vào triển vọng thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Với mục tiêu không phải chỉ để tồn tại sau đại dịch, mà là để phát triển thịnh vượng. Trong đó, cùng những cơ hội lớn để phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU sau đại dịch, chúng ta có thể khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ này với triển vọng dài hạn cho cả hai phía.
Hiện nay các hoạt động sản xuất đang dần quay trở lại, và hai bên cần tận dụng tối đa Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ chứng kiến việc mở cửa thị trường, cùng với thuế quan giảm dần, điều này sẽ mở ra một làn sóng thương mại mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai phía. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, trong đó xuất khẩu của EU tăng 12%.
Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) sẽ tiếp tục quá trình phê chuẩn ở châu Âu. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, EVIPA sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn từ các doanh nghiệp lớn của châu Âu.
Để đảm bảo rằng cả hai thỏa thuận này đều đạt được tiềm năng đầy đủ đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa hai bên. "Nếu chúng ta hợp tác cùng nhau - kết nối các cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Liên minh châu Âu, cùng nhau giải quyết các vấn đề và chia sẻ các phương pháp hay nhất, chúng ta có thể phục hồi sau đại dịch và hướng tới một tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn", Chủ tịch EuroCham chia sẻ.
Đây cũng là lí do để xuất bản thường niên ấn phẩm Sách Trắng. Với ấn bản thứ 13, Sách Trắng tập hợp những hiểu biết sâu sắc của 1.200 thành viên EuroCham thông qua 18 Tiểu ban Ngành nghề. Trong ấn phẩm này, các thành viên sẽ đưa ra các khuyến nghị thực tế, cụ thể theo lĩnh vực, nhằm giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn.
Với những kinh nghiệm và chuyên môn quốc tế của các Tiểu ban Ngành nghề, đây là một lộ trình hữu ích để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp châu Âu. Nếu được thực hiện, các khuyến nghị của EuroCham có thể hỗ trợ các lĩnh vực mũi nhọn như du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đại dịch. Trong khi đó, các đề xuất tại các lĩnh vực trong ngành công nghiệp khác có thể giúp cải thiện chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy thương mại và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong tiểu ban v�� Du lịch và Khách sạn, EuroCham đã đưa ra những kiến nghị về chính sách visa nhập cảnh; phát triển bền vững với tự nhiên và di sản và Kế hoạch phục hồi ngành Du lịch.
Về chính sách nhập cảnh, Việt Nam cần mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực sang tất cả các nước EU và kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày; kéo dài thời gian miễn thị thực đã công bố và các trường hợp miễn trừ mới lên năm năm. Tạo thị thực du lịch ba tháng cho những người châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài hạn. Cung cấp miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số trường hợp nhất định.
Bên cạnh đó, đối với tự nhiên và di sản, EuroCham đưa ra những kiến nghị: Ưu tiên phát triển bền vững, đa dạng; Đảm bảo cách tiếp cận có hệ thống hơn đối với phát triển bền vững trong du lịch bằng cách thúc đẩy các động lực cho các cam kết và hành động có trách nhiệm của các bên liên quan; Giảm nhu cầu đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp và hạn chế các tương tác không kiểm soát được với động vật hoang dã; Xây dựng thông tin tại các vườn quốc gia hoặc các khu vực tự nhiên để khuyến khích khách du lịch tôn trọng và bảo vệ những địa điểm này.
Đặc biệt, về Kế hoạch phục hồi ngành Du lịch, EuroCham đề xuất kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống và Kiểm soát COVID-19, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý du lịch địa phương và các cơ quan chức năng khác phối hợp hiệu quả hơn để đưa ra các quy định nhất quán về: Thẻ xanh cho du khách, mở cửa biên giới, mở cửa thường xuyên các chuyến bay dành cho công dân Việt Nam về nước.
Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ công bố Sách Trắng thường niên lần thứ 13 của EuroCham và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và EuroCham với sự chứng kiến của đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và đại diện cơ quan ngoại giao châu Âu tại Việt Nam.
Thảo Anh