Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số ban Đảng, cơ quan Bộ, ngành quản lý nhà nước Trung ương và địa phương; đại sứ quán các nước có trụ sở tại Hà Nội, và một số doanh nghiệp của Việt Nam… Các Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm, PGS.TS. Lê Văn Lợi, PGS.TS. Dương Trung Ý và Chủ tịch AVSE Global GS.TS. Nguyễn Đức Khương chủ trì hội thảo. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phát triển bền vững hiện nay đã trở thành mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, là giá trị phổ quát của loài người. Trong nhiều thập kỷ qua, con người đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nhiều biến động phức tạp, khó lường xảy ra trên toàn cầu thời gian qua, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Hội thảo đã tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm: nhận diện, phân tích ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến phát triển của các quốc gia, từ đó làm rõ mối quan hệ giữa khủng hoảng nói chung và phát triển bền vững; đánh giá các phản ứng chính sách và biện pháp quản trị nhằm phát triển bền vững, trước nhất là ứng phó chủ động và hiệu quả trước các tác động không mong muốn của đại dịch COVID-19 nói riêng hay các hiện tượng bất thường nói chung; thảo luận, nghiên cứu các mô hình, cơ chế quản trị quốc gia, quản trị quốc tế, hợp tác quốc tế, các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững sau COVID-19...
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà hoạt động thực tiễn trong nước và thế giới cũng trình bày những nghiên cứu và đề xuất giải pháp về những vấn đề xoay quanh hệ sinh thái và kinh tế hoặc để phòng chống dịch bệnh; tổn thương của doanh nghiệp khi xuất hiện các cú sốc bất lợi và hàm ý chính sách; nhận diện nguy cơ rủi ro trong quá trình phát triển của Việt Nam đến năm 2025 -2030; quản trị khủng hoảng; quan hệ với báo chí trong bối cảnh khủng hoảng truyền thông hiện nay; tác động của đại dịch và ứng phó của ngành lao động - xã hội Việt Nam và kinh nghiệm các nước ASEAN...
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Dương Trung Ý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những ý kiến của các diễn giả khi cho rằng giải quyết các thách thức do tác động của các loại khủng hoảng, trong đó có đại dịch COVID-19 nhằm bảo đảm phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội, cần sự quan tâm từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, mà vai trò của các nhà khoa học rất quan trọng. Đồng thời, các chính phủ cần hợp tác chặt chẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
A.M