Điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) với khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân hy sinh, tử vong vì COVID-19.
Cùng với đó là một số điểm cầu truyền hình tại TP. Thủ Đức, các quận, huyện của TP. HCM, các địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh... Điểm cầu Hà Nội tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) với khoảng 300 đại biểu tham dự.
Mục đích của buổi lễ nhằm tưởng niệm hơn 2,3 vạn đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.
Đồng thời, buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ, trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, ông bày tỏ lòng thành kính và chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19. Xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, đến nay, cơ bản nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã và sẽ ban hành nhiều quyết sách quan trọng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; cả nước đang nỗ lực cao nhất để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại.
Trong bối cảnh, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến tha thiết kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng. Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.
“Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, với sự nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân cả nước sẽ biến đau thương thành hành động, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh. Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, ông Chiến bày tỏ.
Ông cũng đề nghị đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước hãy dành những giây phút lắng đọng nhất để dâng hương, dâng hoa, tắt đèn, thắp nến, rung chuông, kéo còi, thả hoa đăng tưởng nhớ, tri ân và tiễn biệt đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19; cùng nhau cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát, yên giấc ngàn thu...
Tại đầu cầu Hà Nội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và đại diện TP Hà Nội đã dâng hương tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 .
Vào thời điểm này, nhiều nơi tại Hà Nội đã tắt đèn, thắp nến. Hành động này thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng với gia đình có người tử vong.
Tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), sau hồi chuông khai lễ, Hòa thượng Thích Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ trì buổi lễ cùng hàng chục phật tử tụng kinh cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Trong tinh thần hiệp thông của lễ tưởng niệm, lúc 20h30, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM khuyến nghị tất cả các chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn dành một phút tưởng niệm với nghi thức thỉnh đại hồng chung, dừng mọi hoạt động để hưởng ứng.
Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM cũng thông báo các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để cầu nguyện và tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch.
Cùng thời điểm 20h30 tối, khu vực xung quanh hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các công trình công cộng, tòa nhà, đèn đường tắt điện để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số ra đi trong đại dịch vừa qua
PV