Hiện nay, Ấn Độ là một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Ấn Độ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách “Hành động phía Đông”. Hai bên đã mở rộng và thúc đẩy hợp tác đến tất cả các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, khoa học - giáo dục, văn hóa - xã hội… Các đại biểu tham dự tọa đàm nhận định, quan hệ kinh tế - thương mại cũng đã có sự tăng trưởng nhanh so với giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Theo đại diện Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, tính theo số liệu thống kê của Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước mới chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 1,46% tổng thương mại của Ấn Độ, còn rất xa với mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020 và hai nước đã đặt ra năm 2013 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ.
Tọa đàm cũng chỉ ra những rào cản đến từ nhiều yếu tố như văn hóa, tôn giáo, lề lối làm việc, các yếu tố về hạ tầng phục vụ cho việc kết nối còn hạn chế, thiếu đường bay thẳng giữa hai nước, sự khác biệt thể chế dẫn tới khó khăn trong việc tìm hiểu và trao đổi giữa các doanh nghiệp hai bên. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của hai nước khá tương đồng nên tính bổ sung giữa hai nền kinh tế không nhiều, khả năng cạnh tranh sản phẩm cũng còn nhiều hạn chế… Để đẩy mạnh quan hệ thương mại, hai nước cần thiết phải gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng nền tảng pháp lý, tăng cường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến giữa hai nước…
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam - Parvathaneni Harish nhận định rằng du lịch là một lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của hai quốc gia. Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng phổ biến đối với khách du lịch Ấn Độ và Ấn Độ cũng là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Tuy nhiên, lượng khách Việt Nam đến Ấn Độ, và ngược lại vẫn chưa nhiều.
Trong những năm qua, bên cạnh sự phát triển của quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược, nhiều hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã được triển khai hiệu quả, thu hút sự tham gia của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước. Đầu năm 2017, Đại sứ quán Ấn Độ đã khai trương Trung tâm Văn hóa Ấn Độ ở Hà Nội, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ…
Đại sứ Parvathaneni Harish nhấn mạnh: Ấn Độ xác định ASEAN là hạt nhân trong chính sách “Hành động phía Đông” và trung tâm của “Giấc mơ Ấn Độ” trong thế kỷ châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng. Ấn Độ cũng đang đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam là nước điều phối Quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong việc tổ chức các sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ, tăng cường quan hệ và kết nối Ấn Độ với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và xa hơn.
Hoa Trang