Huy động nguồn lực tài nguyên
Các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể. Hiện nay, nhiều di sản vật thể, phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và được công nhận là di sản văn hóa các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều danh thắng, tài nguyên thiên nhiên được công nhận là khu bảo tồn và các vườn quốc gia, đang được quản lý và bảo vệ trên khắp cả nước. Gần 20 di sản thiên nhiên và văn hóa đã được tổ chức UNESCO công nhận và vinh danh, có những giá trị tài nguyên đã được phát hiện tại Việt Nam có giá trị đặc biệt, duy nhất trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch của Việt Nam các giai đoạn 1995 đến 2000, giai đoạn 2001 đến 2010, và quy hoạch tổng thể đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó, ngành Du lịch đã triển khai xây dựng quy hoạch phát triển du lịch theo đặc điểm tài nguyên của từng vùng.
Huy động nguồn lực vốn
Ngành Du lịch Việt Nam đã có các cách thức huy động, khai thác và phát huy nguồn lực vốn thông qua các phương thức cụ thể: tăng cường đầu tư theo phương thức các chương trình hành động quốc gia, các năm du lịch, trong đó có việc tập trung đầu tư đồng bộ quy hoạch phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch và triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá cho vùng hoặc địa phương theo từng chủ đề; thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các nguồn đầu tư trực tiếp FDI, các nguồn vốn viện trợ phát triển ODA. Nhiều khu du lịch, khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng cao cấp (resorts), nhiều hãng lữ hành quốc tế được đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả. Một số thương hiệu du lịch lớn như Accor, Sheraton, Hilton, Prince, Nikko… đến từ các cường quốc về du lịch đã đầu tư tại Việt Nam, qua đó, diện mạo của cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại Việt Nam đã thay đổi. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch có chất lượng đạt chuẩn quốc tế được vận hành và dần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Ngoài ra, phương thức xã hội hóa trong huy động các nguồn lực tài chính đã được triển khai trong giai đoạn vừa qua; các doanh nghiệp đã chủ động tham gia đầu tư quy hoạch, phát triển tài nguyên, sản phẩm du lịch của ngành và địa phương, như trường hợp tỉnh Ninh Bình đã triển khai rất tốt phương thức này.
Huy động nguồn lực khoa học công nghệ
Trong lĩnh vực du lịch, việc sử dụng công nghệ xanh - sạch phục vụ phát triển bền vững bắt đầu được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Mô hình khách sạn xanh đang và sẽ mở rộng trên phạm vi khắp cả nước. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ thông tin trong marketing, xúc tiến quảng bá du lịch được sử dụng phổ biến thông qua các trang thông tin điện tử, các ấn phẩm thông tin du lịch. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng e-marketing để tổ chức kinh doanh và hình thức này đang triển khai rộng rãi ở Việt Nam.
Huy động nguồn lực con người
Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn cơ cấu nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển ngành. Du lịch Việt Nam đã được thụ hưởng các nguồn lực từ nhiều quốc gia trên thế giới thông qua những nguồn vốn viện trợ phát triển cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao như Nhật Bản, Australia…, đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực như các Dự án Luxembourg, Dự án EU - ESRT, Dự án của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)…
Huy động các nguồn lực mềm
Với chính sách ngoại giao rộng mở, Việt Nam tăng cường quan hệ ngoại giao song và đa phương, thông qua đó để phát triển kinh tế văn hóa. Việt Nam cũng thực hiện và tăng cường thực hiện các hoạt động ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, góp phần không nhỏ cho phát triển ngành Du lịch.
Ngành Du lịch Việt Nam, cũng như các địa phương đã coi trọng việc hợp tác liên kết quốc tế trong phát triển du lịch, đã tham gia Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp quốc vào năm 1981, đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới về du lịch như: Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Du lịch các nước Đông Nam Á (ASEANTA) và các tổ chức khác như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM).
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã ký các hiệp định hợp tác, liên kết song phương với khoảng 43 quốc gia và có quan hệ hợp tác du lịch với các nước như Bỉ, Luxemburg, New Zealand…; hợp tác đa phương với các quốc gia ASEAN, ký thỏa thuận nghề chung ASEAN (MRA). Các địa phương cũng đã chủ động trong việc hợp tác với các địa phương của các nước trên thế giới.
Ở cấp độ doanh nghiệp, đơn vị, nhiều hãng lữ hành quốc tế và các khách sạn lớn của Việt Nam đã tham gia và là thành viên của các hiệp hội du lịch của các quốc gia như: Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA), Hiệp hội Lữ hành của Hoa Kỳ (ASTA)… Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch Việt Nam cũng đã chủ động có những hoạt động hợp tác mang tính riêng biệt, ký kết các hợp đồng hoặc thỏa thuận với các đối tác là doanh nghiệp, hoặc các địa phương, các cơ sở đào tạo du lịch nước bạn, như Vietravel đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Aichi của Nhật Bản, hợp tác giữa Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế với đối tác vùng Poitou Charentes - Pháp, hợp tác giữa Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội với các đối tác Luxembourg, Hungary, Đài Loan… Các doanh nghiệp du lịch chủ động thu hút các nguồn lực vốn và kinh nghiệm theo phương thức liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài hoặc thực hiện phương thức nhượng quyền thương hiệu để triển khai tổ chức kinh doanh. Bước đầu, nhiều hoạt động liên doanh, liên kết và nhượng quyền thương hiệu đã thu được hiệu quả nhất định.
Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch theo hướng bền vững ngày càng được mở rộng, vai trò của cộng đồng đã và đang được đánh cao thông qua các quan điểm lấy cộng đồng làm nòng cốt, đóng vai trò chính trong việc phát triển du lịch trong đó có loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch có trách nhiệm.
Tuy nhiên, thực tiễn huy động các nguồn lực phát triển ngành Du lịch trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở, chẳng hạn như: chưa phát huy được phương thức xã hội hóa trong thu hút các nguồn lực; sử dụng và khai thác các nguồn lực khoa học công nghệ còn hạn chế; các nguồn lực mềm chưa được khai thác một cách hiệu quả…
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam cần có những cải thiện để có thể phát triển du lịch đúng hướng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một điểm du lịch phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chúng tôi đề xuất một số kiến nghị dưới đây:
Xác định rõ hiện trạng các nguồn lực, trên cơ sở so sánh với các quốc gia trong khu vực và thế giới để có định hướng và biện pháp phù hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan trong huy động, khai thác và phát huy các nguồn lực trong phát triển du lịch.
Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các ngành, các chủ thể và các đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là trong nước; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bổ sung hỗ trợ các kinh nghiệm, phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực bên ngoài đặc biệt là kinh nghiệm quản lý, kinh doanh du lịch; quản trị rủi ro trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Tăng cường vai trò của cộng đồng, các lực lượng trong xã hội trong khai thác và phát triển các nguồn lực để phát triển du lịch. Tạo cơ chế để khai thác và phát huy sức mạnh của các lực lượng trong xã hội để thúc đẩy nhanh và mạnh vấn đề xã hội hóa trong huy động các nguồn lực để phát triển du lịch.
Tăng cường phát huy nguồn lực mềm như các mối quan hệ kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, sức mạnh của nền văn hóa dân tộc, sự ổn định chính trị và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…
Nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường năng lực của đội ngũ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và nghiệp vụ du lịch.
Tài liệu tham khảo
1. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
2. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, 10/2010
3. Thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, www.mofa.gov.vn
4. Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, www.vietnamtourism.gov.vn
PGS.TS. Lê Anh Tuấn
(Tạp chí Du lịch)