Truyền thuyết dân gian kể lại rằng sau khi xây xong Dinh Vạn (năm 1762), có một Ông rất lớn trôi dạt vào bờ phía trước Dinh (lúc này biển chỉ cách Dinh không đầy 50m). Ngư dân trong bổn Vạn đã huy động các làng Vạn khác cùng nhau đưa Ông vào táng trong khuôn viên của Dinh Vạn Thủy Tú. Vì Ông quá lớn nên phải đến 2 ngày sau mới đưa Ông vào bờ để mai táng được.
Năm 2003 bộ xương cốt Ông được Viện Hải Dương học Nha Trang phục chế và bảo quản tại nhà bảo tàng của Dinh. Đây được coi là bộ xương lớn nhất Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á vẫn còn nguyên vẹn đến nay. Công việc bảo quản bộ xương cốt Ông Nam Hải được duy trì định kỳ hằng năm.
Qua trên 200 năm, Vạn Thủy Tú đã có 3 tẩm với trên 100 bộ xương cốt Ông được lưu thờ, trong đó có hàng chục bộ xương lớn, đặc biệt có bộ xương dài 22m, nặng 65 tấn (Tên khoa học: Cá Ông – Cá Voi lưng xám).
Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Bên trong Vạn có nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, trên văn khắc của đại hồng chung. Vạn làng Thủy Tú cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị Vua Triều Nguyễn ban tặng bởi tục truyền, trước đây, trong chiến tranh phong kiến với nghĩa quân Tây Sơn, các tướng lĩnh nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển.
Có tất cả 24 sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, riêng Vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, đây là điều hiếm thấy so với các di tích khác.
Theo tín ngưỡng của ngư dân, cá Ông là vị thần cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp tai nạn trên biển, và là vị thần chung thủy với ngư dân nên được ngư dân kính yêu và tôn trọng. Mỗi khi cá Voi lụy (chết) dạt vào bờ, ngư dân đầu tiên trông thấy được coi là con trai của Ông và phải đứng ra làm tang lễ, chôn cất cẩn thận - Ảnh: L.T chụp lại
Năm 1996, Vạn Thủy Tú được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngày nay, con đường và bến cá trước dinh được đặt tên Ngư Ông như để thể hiện niềm tôn kính của ngư dân vào sự phù trợ của Ông Nam Hải, cũng như sự gắn bó giữa Ông Nam Hải với ngư nghiệp địa phương.
Nguồn: Laodong.com.vn