Đào vàng ở Ballarat
Đến thăm khu Sovereign Hill, TP. Ballarat, Australia, tôi ngỡ ngàng khi được bước vào khung cảnh thời vàng son của Ballarat vào những năm 1850. Trong một khu đất rộng với những căn nhà thiết kế theo kiến trúc thế kỷ 18, hàng trăm người trong những trang phục thời xưa đang tái hiện hoạt động thường ngày của Ballarat thời ấy. Những người đàn ông hối hả trên những chiếc xe cút kít hướng về dòng suối để đãi vàng, những phụ nữ bận rộn xách nước từ suối về nhà để nấu nướng. Một người đàn ông trong chiếc mũ rộng vành chính hiệu kiểu Australia đang ngồi trước hiên nhà, ngân nga những bản dân ca. Một chiếc xe ngựa lộc cộc chạy qua.
Hướng về một dòng suối nhỏ, nơi khách du lịch đang tìm kiếm vận may, tôi theo mọi người ùa xuống suối, cầm lấy một thau sắt dẹt đã xỉn màu. Xúc một mớ cát từ suối, bỏ đi sỏi và đá, tôi xoay lớp cát mịn trong nước: những hạt vàng li ti hiện ra lấp lánh. Với 1 đô la Australia, du khách có thể mua một chai thủy tinh nhỏ dùng để đem những hạt lấp lánh ấy về nhà.
Đứng cạnh dòng suối, hướng dẫn viên du lịch kể với chúng tôi rằng Ballarat nhiều vàng đến nỗi người ta đã vấp phải những cục vàng trên đường, tìm thấy vàng nằm dưới gốc cây sau những trận mưa. Ballarat vẫn còn rất nhiều khu rừng và đất chưa từng bị đào xới, và vận may vẫn có thể mỉm cười với bất cứ ai. Tháng 1/2013, một người đàn ông tìm được tảng vàng nặng 5,5kg trong phạm vi cách trung tâm thành phố Ballarat 30km.
Trên đường phố gần nơi tôi đang đứng chợt có tiếng kèn tiếng trống. Một đoàn diễu hành đi qua và sau đó là tiếng súng nổ: hai cảnh sát đang rượt đuổi một tên cướp - một quang cảnh khá phổ biến thời xưa đang được tái hiện quanh chúng tôi. Từng tấc đất trên cánh đồng vàng nơi tôi đang đứng đã nhuốm máu, mồ hôi và nước mắt của biết bao người. Không chỉ trên mặt đất mà dưới lòng đất máu cũng đã đổ. Tham gia tour “Labyrinth of Gold” (Mê cung của vàng), tôi được một chuyến xe điện rùng rùng chở sâu xuống lòng đất, vào mỏ vàng Sovereign Hill Quartz Mine. Đi xuyên qua những địa đạo ẩm thấp, sâu hút mờ ảo ánh đèn, tôi rùng mình: đã có nhiều người bỏ mạng ở đây, tôi vẫn thấy ánh mắt của họ le lói đâu đây trong bóng tối.
Thế giới động vật hoang dã
Trải nghiệm về Ballarat sẽ không đầy đủ nếu ai đó bỏ qua những khu vườn ma trận (Maze Garden). Khu vườn Tangled Maze Ballarat là một địa điểm thú vị để tham quan. Chỉ cách trung tâm thành phố 15 phút lái xe, đây là một thiên đường của hàng trăm loại cây có hoa được trồng thành những hàng rào cao vút. Sau khi mua vé vào cửa, khách du lịch được phát bút và tờ giấy in sẵn các câu hỏi và bút. Mục đích của trò chơi là tìm được đường thoát khỏi khu vườn ma trận này một cách nhanh nhất, đồng thời tìm được các câu trả lời (chúng nằm rải rác khắp khu vườn). Để thoát khỏi khu vườn ma trận này, người chơi phải cật lực vận dụng trí nhớ và khả năng quan sát.
Ở công viên động vật hoang dã Ballarat (Ballarat Wildlife Park), thơ thẩn chơi cùng những đàn kangaroo, tôi thấy một phụ nữ Australia đang địu một chú kangaroo nhỏ có bộ lông màu đỏ trước ngực. Cử chỉ của bà đối với chú kangaroo ân cần như một bà mẹ đối với đứa con nhỏ của mình. Bà là Janet - một trong nhiều tình nguyện viên ở công viên này. Vài tuần trước, mẹ của chú kangaroo mà bà đang đeo trên ngực qua đời nên chú không có sữa để uống. Janet đã đem chú về nhà, vỗ về chú, cho chú uống sữa bò từ những cái chai. Để chú đừng quên cuộc sống hoang dã, mỗi ngày bà Janet lại đem chú thả vào công viên này chừng vài tiếng để chú chơi với bạn bè, rồi lại đem về nhà chăm sóc. Khi chú kangaroo đủ lớn và không cần uống sữa nữa, bà sẽ trả chú về công viên.
Tôi sửng sốt trước câu chuyện của bà Janet: Đất nước Australia nhiều kangaroo đến nỗi chúng tàn phá mùa màng, gây ra tai nạn khi băng qua đường cao tốc, và tràn vào cả các thành phố, nhà dân để kiếm ăn nhưng người dân ở đây vô cùng yêu quý và trân trọng động vật hoang dã, bao gồm cả loài kangaroo, biểu tượng của Australia. Sự trân trọng được thể hiện trong sự bài trí của công viên, tất cả các con vật được sống trong môi trường rộng, thoáng, sạch sẽ và bạt ngàn cây xanh.
Rời Ballarat, tôi cảm thấy thích thú với cách người Australia làm du lịch, ghen tị về những món quà mà thiên nhiên dành cho họ, và thèm muốn những thành quả của những nỗ lực mà họ đã nỗ lực thực hiện để bảo tồn, gìn giữ thiên nhiên. |
Nguyễn Phan Quế Mai
(Tạp chí Du lịch)