Thổ Hà là tên gọi của một làng nghề nổi tiếng nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Không giống như bao ngôi làng Việt, trải qua những thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, làng Thổ Hà vẫn hiện lên với tất cả những nét cổ kính, rêu phong. Kiến trúc và những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của làng có sức hút mãnh liệt với khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngôi làng nằm dọc theo dòng chảy của bờ Bắc sông Cầu, ba mặt là sông nước mênh mông, làng Thổ Hà hiện lên như một hòn đảo nhỏ. Du khách đến Thổ Hà hay người Thổ Hà ra khỏi làng phần lớn đều phải đi đò.
Chính bởi nét đặc trưng đó, đến với Thổ Hà ta cảm nhận rõ hơn sự lãng mạn, bồng bềnh như lạc về miền quan họ cổ với khung cảnh trên bến, dưới thuyền cùng làn điệu quan họ mượt mà say đắm lòng người. Được biết đến sớm nhất với nghề gốm nổi tiếng khắp gần xa, Thổ Hà xưa kia vốn là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, là cái nôi đầu tiên của nghề gốm sứ. Gốm Thổ Hà nức danh khắp chốn Kinh Bắc về chất lượng, kỹ thuật nung, màu sắc và độ tinh xảo.
Đây từng là nơi qua lại, buôn bán gốm sứ lớn bậc nhất của vùng Kinh Bắc. Ngày nay, ngôi làng cổ này không còn là làng nghề gốm sứ nhưng dấu tích của nó vẫn in đậm trên các bức tường cổ được xây bằng các mảnh gốm sứ kết hợp với bùn đất của sông Cầu.
Nét cổ xưa tạc vào dáng hình thôn quê từ con đường ngõ chật hẹp đến cây đa, bến nước, sân đình. Tất cả đều toát lên vẻ xưa cũ, rêu phong và cuốn hút đến say lòng. Đặt chân đến, ta sẽ bị choáng ngợp ngay trước cổng làng với kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, là một trong những chiếc cổng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu.
Đây cũng là một phần máu thịt trong trái tim mỗi người con quê hương Thổ Hà xa xứ! Thấp thoáng trong chiều buồn, nét cong cong của những mái đình rêu phong hòa vào nét cổ xưa của những cây đa hàng trăm năm tuổi quanh khu vực cổng làng đưa ta vào thế giới cổ tích với cảm giác bâng khuâng, hoài cổ.
Theo lối bước chân khoan thai đầy kì thú, du khách sẽ thấy một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho những ngôi nhà cổ thuộc kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ.
Do đặc thù của làng ba mặt giáp sông nước mênh mông, người dân Thổ Hà không canh tác nông nghiệp mà chủ yếu sống bằng nghề truyền thống. Làng Gốm nổi tiếng của xứ kinh kỳ xưa nay đã thay bằng một làng nghề trù phú, nổi tiếng với việc sản xuất bánh đa nem và làm mì gạo.
Mì gạo Thổ Hà nổi tiếng khắp xa gần bởi độ dẻo, dai và thơm ngon, hấp dẫn. Bánh đa nem Thổ Hà sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước mỗi dịp tết đến, xuân về. Không chỉ vậy, món bánh đa vừng của Thổ Hà còn nức tiếng xa gần và sớm khẳng định thương hiệu bởi độ béo, ngọt, bùi đến say đắm lòng người.
Đến với Thổ Hà, du khách có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm. Trên con đường du xuân trẩy hội, được ghé đến Thổ Hà, hẳn lữ khách ngẩn ngơ chẳng muốn về bởi những câu quan họ dùng dằng đầy lưu luyến của các liền anh, liền chị. Đây cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa, trong sinh hoạt cộng đồng và trong tiệc cưới, lễ tang.
Người Thổ Hà có câu: "Ma không đợ, vợ không cheo", ý nói đến phong tục đẹp của làng: Người đi đám ma chỉ thực hiện đến viếng mà không nặng việc điếu phúng, trả nợ, còn đám cưới thì cốt ở hạnh phúc lứa đôi chứ không có tục thách tiền cheo, tiền sính lễ. Vì lẽ đó, Vua Tự Đức đã ban tặng cho làng bốn chữ: “Mĩ tục khả phong”, tức là làng có nhiều phong tục tập quán đẹp.
Ngày nay, bốn chữ vua ban vẫn được treo ở tiền tế đình làng. Nhân dân trong làng coi đó là một niềm tự hào không gì sánh bằng và cùng nhau gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa đó. Đến với Thổ Hà, du khách còn dễ dàng ghé thăm làng Vân – làng nghề nấu rượu nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, thăm đền Bà chúa kho và thăm Chùa Bổ Đà – ngôi chùa có nhiều tháp cổ đẹp nhất Việt Nam, tất cả chỉ trong bán kính chừng 6km.
Tạm chia tay Thổ Hà – ngôi làng với những yêu thương, lưu luyến mãi không rời. Nghe văng vẳng trong tim lời ru của mẹ, nghe thấm đượm vị ngọt ngào của bánh đa, mì sợi và chút say nồng của rượu Vân còn vương nơi đầu lưỡi, nghe vị ngọt giọng dân ca quan họ còn níu kéo bước chân. Nghe hồn cốt đất Việt ấp ôm từng ngõ nhỏ và mái nhà rêu phủ - tìm về chốn quê với tất cả những ấm áp, dịu dàng.
Nguồn: Laodong.com.vn