Mới chiều nào tôi còn ngâm nga ca khúc "Hà Tây quê lụa" trên loa phóng thanh của làng, giờ thì ca khúc đó đã đi vào trong kỷ niệm thân thương. Những địa danh của mảnh đất Hà Tây ngày nhỏ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của trẻ thơ, nào Khu Cháy, Suối Hai, Cầu Giẽ... cứ ngân vang ngân vang.
Lớn lên, tôi dần thỏa mãn sự tò mò của mình bằng những chuyến đi phượt một mình bằng xe đạp tới các làng quê gần gũi khu Thường Tín, khám phá những vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và ban sơ nhất. Đó không phải là cái gì đó xa xôi, xa hoa hay xa lạ mà là những ngôi đình, chùa làng, những đầm sen, lăng mộ, khu từ đường… và đặc biệt là các ngôi làng cổ còn đang oằn mình với cơn bão đô thị hóa trên mảnh đất ngoại thành thủ đô Hà Nội.
Nhà tôi ở gần Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội), lần tôi ghé qua làng vào một ngày trời nắng gắt, người dân nườm nượp kéo xe miến ra đồng phơi, từng tấm miến vàng óng vẫn còn đượm đượm mùi dong giềng thật làm du khách ứa nước miếng. Thoáng cái, cả cánh đồng mới thu hoạch lúa xong lại phủ lên mình "tấm áo" vàng óng của miến, người dân cần mẫn như đàn kiến, lật dở từng tấm miến không chỉ là cơn kế mưu sinh mà còn vì cái nghề đã tạo nên thương hiệu và bản sắc của Cự Đà.
Nhưng nghề miến không phải nghề duy nhất ở Cự Đà mà nghề chính đó là làm tương. Tương Cự Đà – chắc chắn đã ăn sâu vào ký ức của rất nhiều thế hệ, trứ danh nhất miền Bắc với vị tương đặc trưng, ngào ngạt không lẫn vào đâu được đã làm nên thương hiệu của làng tương. Tương để kho cá, chấm bánh đúc hoặc ăn trực tiếp với cơm đều rất đậm đà. Hầu như trước sân nhà nào cũng ủ vài chum tương, tương còn được xuất khẩu sang một số nước châu Âu như một hương vị Việt Nam phấp phới giữa trời Tây.
Những con đường gạch chỉ đỏ, mái nhà vảy cá hàng hàng lớp lên lên khói lam chiều tạo cho người ta cảm ức hoài niệm đầy mộng mị. Nhiều ngôi nhà còn có từ đường rất cổ, có cả hậu cung, bộ thờ bằng đồng, hoành phi câu đối đầy đủ, cột kèo, mái, cửa làm hoàn toàn bằng gỗ vàng tâm có tuổi đời gần 100 năm như nhà ông Trịnh Văn Bằng, Đinh Văn Lai, nhà ông Sùng…
Hay lan về phía Nam Hà Nội một chút, xuôi về làng Cựu huyện Phú Xuyên, chúng ta sẽ không khỏi choáng ngợp về những ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp giữa cánh đồng quê lúa. Khoảng những năm đầu thế kỷ XX, người dân Cựu có nghề đi buôn, chủ yếu là là các mặt hàng của giới thượng lưu như comple, thuốc lá, rượu… nên giàu lên nhanh chóng, nhiều thương phú nổi lên giữa bầu trời u ám của chế độ bóc lột thực dân. Lại có sự ảnh hưởng của văn hóa - kiến trúc Pháp mà các thương nhân này quyết định xây những biệt thự kiểu Pháp lộng lẫy. Sau cách mạng, chủ của các ngôi nhà bỏ đi và ngôi nhà trở nên vô chủ, đến nay làng Cựu vẫn còn trên 50 ngôi biệt thự có tuổi đời gần 100 năm, qua thời gian chúng còn rêu phong lên, tạo thêm nét cổ kính tân thời lẫn lộn. Hiện nhiều ngôi nhà vẫn vô chủ và đóng kín, nếu như được sửa chữa và biến thành sản phẩm sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ rất có giá trị.
Ngay cạnh làng Cựu là làng nghề may comple Vân Từ trứ danh, một trong 7 điểm du lịch làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận. Tại đây, du khách không chỉ được sắm cho mình những bộ quần áo comple sang trọng mà còn có thể trực tiếp nhìn người thợ làm thủ công, từ người già đến trẻ nhỏ ai ít nhất cùng rành một khâu.
Rồi có lần tôi lại một mình "ngao du" thăm làng cổ Đường Lâm, nơi mà tôi cho là một chuyến đi xa và phải mất cả ngày so với 2 ngôi làng kia.
"Quả đúng Đường Lâm - đất 2 vua đây rồi"!. Tôi thốt lên khi nhận ra chiếc cổng làng vì nó đã hiện hữu rất nhiều trên ti vi. Đường Lâm tạo cho tôi một dư vị khác, đó là nét ban sơ thuần Việt nhất mà tôi từng biết từ trước đến nay, vẻ đẹp của Đường Lâm vừa sâu lắng vừa trĩu nặng. Đi khắp ngôi làng với vẻ bình yên vốn có, không một nhà nào đóng cửa, giữa sân đều có mấy hũ tương và phơi một ít lương thực như lạc, ngô…
Tôi ghé vào nhà một bà cụ, trong nhà bà đang cùng ông ngồi phe phẩy chiếc quạt nan và đợi du khách ghé thăm với những dịch vụ du lịch hết sức giản dị, thuần Việt mà không hề mang yếu tố “chặt chém”. Chỉ với bữa cơm trưa là đậu, lạc rang và rau luộc, chúng tôi được nghỉ trưa trong căn nhà cổ của ông bà. Nhà mát, ngoài sân rất nhiều cây, không gian rất yên bình, cảm giác như được trở về.
Các ngôi nhà cổ ở Đường Lâm có quy thức chuẩn kiến trúc Việt cổ nhất hiện nay, chất liệu dùng chủ yếu là đá ong và gỗ, nhiều nhà còn có giếng cổ từ ngày xưa, vẻ đẹp của Đường Lâm không chỉ là những mái nhà cổ mà ngay cả đến bản chất chất phác, lối sống thuần Việt của người dân nơi đây cũng là điều làm chúng ta đáng ngưỡng mộ.
Bộ ba làng cổ Cự Đà - Đường Lâm - Cựu tạo ra một hệ thống làng cổ đặc sắc trên dẻo đất quê lụa, gái đảm. Nhưng giá trị của cả ba đang dần bị bào mòn do cơn lốc đô thị hóa đang ùa về, tiềm năng du lịch còn chưa được khai thác theo định hướng kết nối bảo tồn. Vì vậy, nên nghiên cứu hình thành một tour du lịch làng cổ kết nối 3 làng này trong một ngày với các dịch vụ đi theo như nhà nghỉ, đồ ăn, sách tư liệu, hướng dẫn viên, chụp ảnh… Khám phá không gian làng cổ thuần Việt, điều này rất thú vị với khách du lịch nước ngoài, đó cũng là cách bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa Việt đi xa hơn trên cộng đồng quốc tế. Hiện nay, di chuyển tới cả ba làng này bằng xe buýt đều rất tiện lợi, những chuyến du lịch vừa rẻ vừa ý nghĩa đang chờ đón tuổi trẻ của chúng ta.
Thay vì cuộc sống vồn vã tại những nơi xa hoa, nhung lụa, chúng ta hãy thử trở về và nán lại với nét hoài cổ, chân quê tại ba làng cổ, chắc chắn bạn sẽ rũ bỏ được ưu phiền đang rập rình của áp lực công việc, tháo bỏ lối sống chạy theo, hưởng thụ vật chất để tìm được chốn an yên ngay chính trong tâm hồn bạn bên cạnh các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc mà chỉ có ở người Việt Nam – Con Rồng Cháu Tiên.
NGUYỄN VĂN CÔNG
Nguồn: laodong.com.vn