Nhiều tín hiệu lạc quan
Mới đây, tại Liên bang Nga, Công ty TNHH T&T Nga (thuộc Tập đoàn T&T Group) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ thông tin và giải pháp công nghệ nhằm khôi phục khách du lịch trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 với Công ty CV-PASS (thuộc Tập đoàn VR-Logistics của Nga). Mục đích của sự hợp tác này là chuẩn bị sẵn sàng cho việc tái khởi động ngành Du lịch và khôi phục thị trường khách an toàn đến hai quốc gia. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp nới lỏng hoạt động đi lại của khách du lịch cũng như tổ chức các hoạt động đông người. Từ đó, tái thiết ngành Du lịch trong điều kiện an toàn và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của hai quốc gia. CV-PASS, được hiểu là “hộ chiếu kháng thể Covid-19”. Đây là hộ chiếu của những cá nhân có kháng thể với dịch bệnh Covid-19, bao gồm những trường hợp đã nhiễm dịch bệnh Covid-19 và hồi phục, sau đó sinh ra kháng thể. Và trường hợp thứ hai là những người đã tiêm phòng vắc-xin và sinh ra kháng thể.
Được biết, Nga và các nước nói tiếng Nga (CIS) là một trong những thị trường khách quan trọng của Việt Nam. Vào lúc cao điểm, khu vực này đã có gần 1 triệu lượt khách đến du lịch tại Việt Nam. Với lượng khách có thời gian lưu trú dài ngày (bình quân từ 11 đến 12 ngày cho một tour) và có mức chi tiêu cao (bình quân khoảng 1.600 USD/ngày).
Mặt khác, theo số liệu truy cập và tìm kiếm vào Agoda, cho thấy: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia là các quốc gia ghi nhận lượng lớn tìm kiếm các điểm đến quốc tế trong top 30 điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trong tháng 3/2021, so với thời điểm 12/2020. Đây là những điểm sáng trong quá trình phục hồi và sự lạc quan ngày càng lớn của du khách châu Á đối với quá trình hoạt động trở lại của du lịch quốc tế. Tương tự, các du khách tại Trung Quốc, Đài Loan và Singapore cũng tỏ ra lạc quan vào sự phục hồi của du lịch toàn cầu. Thực tế, trong năm 2019, Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, thì thị trường Trung Quốc (gửi hơn 6 triệu lượt khách) và Hàn Quốc (gửi hơn 4 triệu lượt khách) đến Việt Nam, chiếm hơn một nửa lượng khách quốc tế đến. Do vậy, những thông tin trên là dấu hiệu vui mừng cho ngành Du lịch Việt Nam. Ông John Brown - Tổng Giám đốc của Agoda, cho biết: “Chắc chắn phải có lý do khiến du lịch châu Á có được những dấu hiệu lạc quan như vậy. Vắc-xin sẽ đóng vai trò quan trọng để phục hồi hoàn toàn nhưng các chương trình trợ giúp từ Chính phủ của nhiều quốc gia đã thành công trong việc khai thác nhu cầu du lịch và hỗ trợ các nhà cung cấp lưu trú nội địa”.
Các giải pháp cách ly thay thế
“Việc tiêm vắc-xin dự kiến sẽ khó có thể tiếp cận được tỷ lệ lớn người dân tại các nước Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam cho đến năm 2022 hoặc 2023. Đây là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch và không thể đợi lâu đến như vậy để phục hồi. Vì vậy, các quốc gia cần đổi mới cách tiếp cận trong kế hoạch mở lại biên giới, cân bằng những nhu cầu thiết yếu về an toàn cho công dân của nước mình cũng như du khách, đồng thời đảm bảo ổn định tình hình kinh tế”, ông John Brown đánh giá. Chuyên gia này cho rằng: “Quy định cách ly vẫn là một trở ngại với những người muốn du lịch nước ngoài, do đó, các lựa chọn cách ly thay thế có thể sẽ là giải pháp hợp lý đi cùng các chương trình tiêm chủng vắc-xin. Thành công của giải pháp về các điểm cách ly thay thế tại Thái Lan và Hồng Kông có thể giúp giải quyết vấn đề của các quốc gia khác trong khu vực, cùng với các đối tác công nghệ có khả năng nhanh chóng hành động để cung cấp sự hỗ trợ nhằm kiểm soát những diễn biến khó lường mà các nước phải đối mặt”, ông John Brown phân tích thêm.
Th.S Nguyễn Chí Thành - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, cũng đã chia sẻ: Theo tôi, nên thí điểm việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” hay “hộ chiếu kháng thể” ở một số khu vực, như các resort, khu du lịch… tại Phú Quốc (Kiên Giang) hay Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) hoặc ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Lúc này, khách du lịch cũng có thể được trải nghiệm các hoạt động du lịch, đồng thời, giữ khoảng cách với cộng đồng xung quanh. Như vậy, chúng ta có thể sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” hay “hộ chiếu kháng thể” một cách hiệu quả, còn nếu vẫn bắt buộc phải cách ly 14 ngày theo quy định thì lúc này, các loại hộ chiếu trên không còn ý nghĩa nữa.
Một số chuyên gia cũng đề nghị về quy định “cách ly linh hoạt” nhằm đảm bảo an toàn trong mục tiêu kép. Những nỗ lực này sẽ giảm thiểu được thời gianvà chi phí trong thực hiện việc cách ly đối với khách du lịch, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới trong hoạt động du lịch quốc tế vốn đã ngừng trệ trong thời gian dài. Để thực hiện được việc này, ông Nguyễn Duy Bình - Giám đốc Công ty Việt Âu, cũng cho rằng: “Cần phải xây dựng các quy trình, điều kiện cụ thể để cho khách du lịch đã có “hộ chiếu vắc-xin” hay “hộ chiếu kháng thể” nhập cảnh vào Việt Nam. Trong đó, nên giao cho doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt thị trường, liên kết với các đơn vị liên quan như: các hãng hàng không, lưu trú, dịch vụ ăn uống… đứng ra tổ chức đón, phục vụ khách theo hình thức khép kín và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Đồng quan điểm trên, ông John Brown cũng nhận định: Khi du khách đang mong được đi du lịch hơn bao giờ hết thì sự hợp tác giữa các tổ chức công và tư là vấn đề rất cần thiết, để thế giới hướng đến sự phục hồi bền vững của ngành Du lịch và lữ hành. Du lịch toàn cầu sẽ phải làm quen với một thực tế mới cùng nhiều biện pháp kết hợp để đảm bảo việc đi du lịch nước ngoài sẽ diễn ra an toàn và chu đáo, từ xét nghiệm nhanh, chứng nhận y tế, hộ chiếu vắc-xin và các khía cạnh khác. Đang có những tia hi vọng lóe lên khi các quốc gia bắt đầu hỗ trợ nền kinh tế bản xứ, điển hình là thông báo triển khai Travel Bubble (bong bóng du lịch) giữa Đài Loan và Quốc đảo Palau, giữa Australia và Singapore. Khi càng nhiều quốc gia hướng đến bong bóng du lịch, các Chính phủ sẽ áp dụng giải pháp chọn điểm cách ly thay thế (Alternative Quarantine Accommodation) để người dân lựa chọn khách sạn theo ý muốn, đồng thời du khách quốc tế có thể đi du lịch theo cách bền vững.
Thanh Tùng