Tầm quan trọng của việc định vị thương hiệu
Các chuyên gia tham gia buổi Tọa đàm đều nhất trí rằng: ngành Du lịch của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, hiệu quả của việc khai thác các tài nguyên đó hiện chưa tương xứng với những gì hiện có. Trong đó, rất nhiều địa phương, đô thị du lịch biển, sở hữu tài nguyên đa dạng, đặc sắc và khác biệt nhưng chưa có được sự đầu tư nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm du lịch đột phá. Đặc biệt là hoạt động marketing cũng chưa tiếp cận được đến những khách hàng mà địa phương xác định hướng tới.
Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh – Chủ tịch STDe: Việc phát triển thương hiệu du lịch địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thương hiệu quốc gia. Đặc biệt là sau khi chúng ta đã có chiến lược thương hiệu quốc gia được phê duyệt năm 2016 thì khâu triển khai cấu trúc thương hiệu theo tầng bậc từ cấp quốc gia, xuống cấp vùng, rồi đến cấp tỉnh, cấp doanh nghiệp và các sản phẩm chuyên đề là hết sức cần thiết và cấp bách. Bà Hạnh cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, nước ta có 70% các điểm du lịch nằm ở ven biển. Vì vậy, việc định vị thương hiệu cho các điểm du lịch biển là hết sức quan trọng”.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch – Tổng cục Du lịch nhận định: Hiện nay, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đã xác định du lịch biển là ưu tiên số một. Do đó, việc định vị thương hiệu du lịch biển, các đô thị du lịch biển hiện nay là cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn mà du lịch sẽ phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho biết: Việt Nam hiện có 936 đô thị (trong đó có 18 đô thị biển). Tốc độ đô thị hóa đến nay là 40,3%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Khu vực Đông Nam Á.
Theo Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc VietSense Travel: Về cơ bản, thương hiệu của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây, có những bước tiến nhưng nếu đặt trong tổng thể của khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những mảng du lịch đặc thù như du lịch biển thì gần như là chưa có gì. Nhìn sang Thái Lan hay Indonesia thì họ đã phát triển du lịch biển thành thương hiệu rất mạnh. So với các nước đó thì loại hình du lịch biển của Việt Nam đang rất kém về mặt thương hiệu nhưng điều đó không phản ánh được bản chất. Rõ ràng, chúng ta đang nổi trội hơn về tài nguyên, về tính đặc thù, sự độc đáo hấp dẫn của tài nguyên nhưng chúng ta lại thua về công nghệ để biến những tài nguyên đó thành tài sản du lịch.
Có thể thấy rằng, du lịch biển đang chiếm một vị thế vô cùng quan trọng trong định hướng phát triển ngành Du lịch. Do đó, việc định vị thương hiệu cho du lịch biển, đặc biệt là các đô thị du lịch biển trở nên hết sức cần thiết, nhất là trong hiện trạng thương hiệu du lịch biển của Việt Nam còn chưa thực sự được định hình rõ ràng. Việc định vị thương hiệu là trọng yếu trong hoạt động marketing du lịch.
Lúng túng trong việc định vị thương hiệu
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng thương hiệu cho đô thị du lịch biển chưa rõ nét nhưng một trong những nguyên nhân ấy là việc xác định khái niệm và phạm vi của việc xây dựng, định vị thương hiệu còn lúng túng.
Các chuyên gia nhất trí cho rằng xây dựng, định vị thương hiệu không chỉ đơn giản là thiết kế ra một cái logo, tạo nên một slogan hay hoạt động quảng bá. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc định vị thương hiệu mới chỉ đơn giản tập trung vào giải quyết các hoạt động thuộc phần ngọn này mà thiếu sự tập trung vào phần gốc rễ của vấn đề. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xác định giá trị cốt lõi của tài nguyên cũng còn yếu dẫn đến việc nâng tầm giá trị cốt lõinên thành sản phẩm đặc trưng để xây dựng logo thì hầu hết các tỉnh chưa làm được. Chính vì vậy, nhiều logo còn rất mờ nhạt, không rõ ràng; slogan thì chung chung thiếu sức hút… Để thương hiệu tạo ra được sức cạnh tranh lớn thì cần thiết phải gắn liền thương hiệu với nội dung, kế hoạch, chương trình phát triển sản phẩm du lịch.
Nghiên cứu tổng thể, tìm giá trị cốt lõi để định vị thương hiệu
Đa số các chuyên gia có mặt trong buổi tọa đàm đều cho rằng: Để định vị được thương hiệu cho đô thị du lịch biển nói riêng và đô thị du lịch nói chung đều cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể, xây dựng đề án vừa có tính chiến lược vừa có tính sách lược.
TS. Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, có nhiều cách để tạo dựng thương hiệu cho điểm du lịch. Đó có thể là cách tiếp cận về bề dày văn hóa, lịch sử khu vực; từ đặc điểm hình thái của cảnh quan thiên nhiên hay từ cụm di sản, kiến trúc; từ kiến trúc đô thị; từ những tiềm năng nổi bật về du lịch hay từ chính chất lượng của đặc hình dịch vụ về du lịch… Và tùy theo các thế mạnh đặc thù của điểm đến mà chúng ta sẽ lựa chọn cách tiếp cận nào phù hợp nhất để tạo dựng thương hiệu.
Tiếp cận thương hiệu dưới góc nhìn của người làm quy hoạch đô thị, TS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch STDe (Nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị) nhận định: Thương hiệu đô thị là hình ảnh đặc sắc, đặc trưng hay bản sắc đô thị, bản tinh thần nơi chốn, địa điểm, là cảm xúc của con người nhận được. Thương hiệu đô thị hình thành dần trong lịch sử. Tức là quá trình hình thành và phát triển của nó đôi khi theo ý chí, chiến lược, tầm nhìn về đô thị. Dù là xây dựng thương hiệu hướng đến một tương lai ngắn hay dài hạn thì cũng phải là một thương hiệu có tầm dựa trên tiềm năng, giá trị thực.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn: Muốn cạnh tranh hiệu quả thì phải tạo dựng được thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng, vị thế của mình trên thị trường. Nên thông qua việc đánh giá tài nguyên, nghiên cứu tổng thể để xác định giá trị cốt lõi, mới có thể bắt đầu xây dựng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu để tạo được sự khác biệt so với điểm đến khác.
TS. Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Định vị thương hiệu của một đô thị sẽ rộng lớn và bao trùm tất cả các mảng kinh tế xã hội, các lĩnh vực của đô thị đó và nó có tác dụng, có ý nghĩa lâu dài cho sự phát triển của cả địa phương. Đối với định vị thương hiệu cho một đô thị thì nó phải có tính chất dài lâu và có chiến lược đòi hỏi đầu óc các nhà quản lý, hoạch định phải nhìn xa trông rộng. Vì nó liên quan đến lãnh thổ, đầu tư hạ tầng, phát triển các loại hình kinh tế và các loại hình có liên quan đến du lịch, hỗ trợ cho du lịch phát triển. Tuy nhiên, để định vị thương hiệu du lịch phải dựa vào việc tìm giá trị cốt lõi của từng thời kỳ phát triển của đô thị đó. Định vị thương hiệu của đô thị là lâu dài nhưng định vị thương hiệu du lịch của đô thị đó thì phải theo giai đoạn.
Và dù nghiên cứu dưới góc độ nào, thì các chuyên gia đều xác định tầm quan trọng của việc tìm ra giá trị cốt lõi từ việc nghiên cứu tổng thể các giá trị để định vị thương hiệu cho du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng.
Cao Ngọc