Để có được kết quả ấn tượng trong hoạt động du lịch, Hà Giang đã sớm ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch, nhanh chóng, linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút khách du lịch, cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn cho du khách trong bối cảnh đại dịch Covid – 19. Hà Giang đã triển khai quyết liệt việc đảm bảo đủ 4 tiêu chí an toàn, đó là: phương tiện vận chuyển khách an toàn; cơ sở lưu trú an toàn; nhà hàng an toàn và điểm đến an toàn. Tạo tâm lý an tâm cho du khách khi đến Hà Giang.
Thứ hai, xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa, tập trung khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp và tư nhân kinh doanh hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh đồng thời vừa thực hiện chính sách giảm giá vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai nhiều chương trình tri ân, khuyến mại... Song song với đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định đồng loạt giảm giá vé tham quan từ 50-80% tại các điểm du lịch.
Thứ ba, điều tra, nghiên cứu thị trường thông qua sự hỗ trợ của Báo điện tử VnExpress tổ chức điều tra trực tuyến đối với khách nội địa, từ đó xác định được nhu cầu thị hiếu của khách, thị trường mục tiêu của du lịch Hà Giang để có cơ sở xây dựng sản phẩm phù hợp.
Thứ tư, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Hà Giang đã khắc phục được hạn chế là tính mùa vụ bằng cách xây dựng sản phẩm du lịch trải đều 4 mùa trong năm. Trong đó, mùa Xuân Hà Giang rực rỡ với sắc hoa khắp các rẻo cao, trên những sườn đồi đá xám. Hè về trải nghiệm ruộng bậc thang sóng sánh mùa nước đổ như những chiếc gương phản chiếu bầu trời; về thăm chiến trường xưa gắn với mặt trận Vị Xuyên một thời hiển hách.
Mùa thu, đến với miền Tây của Hà Giang ngắm tầng tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang chín vàng, chinh phục núi cao săn những biển mây bồng bềnh huyền ảo trên đỉnh Chiêu Lầu Thi – Hoàng Su Phì. Mùa đông của Hà Giang nổi tiếng với bạt ngàn tam giác mạch...
Một số sản phẩm khai thác quanh năm như các làng văn hóa du lịch cộng đồng, cảnh đẹp núi Cô Tiên – Quản Bạ; hang Lùng Khúy – Cao nguyên đệ nhất động; di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương – viên ngọc xanh của núi rừng; cột cờ Lũng Cú – đỉnh cực Bắc như vầng trán kiêu hãnh của tổ quốc; đi bộ trên vách Đá Trắng; du thuyền trên dòng Nho Quế với làn nước xanh như ngọc, uốnlượn như dải lụa dưới chân tứ đại đỉnh đèo – Mã Pì Lèng và hẻm vực Tu Sản sâu bậc nhất Đông Nam Á; đặc biệt là vào độ tháng ba đôi bờ sông hoa gạo (hoa Mộc Miên) đỏ rực một vùng trời...
Bên cạnh đó, Hà Giang thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, mạo hiểm thu hút khách du lịch: giải marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc; giải đua môtô, ô tô địa hình; bay dù lượn trên mùa vàng, trên cánh đồng tam giác mạch, khám phá hệ thống hang động...
Hà Giang còn có bốn mùa của Lễ hội: tháng giêng đi Hội Lồng Tồng của người Tày; Hội Gầu Tào của người Mông; tháng hai đi Hội Khèn Mông; tháng ba đi Hội chợ tình Khâu Vai; tháng năm đi Lễ thần rừng của người Lô Lô; tháng bảy đi Hội Khu Cù Tê của người La Chí; tháng tám hội đua thuyền; tháng chín tết cá; tháng mười đi hội Nhảy lửa, hội dệt thổ cẩm; tháng mười một đi hội hoa tam giác mạch...
Du lịch nghỉ dưỡng cũng là một thế mạnh của Hà Giang với nguồn suối khoáng nóng Thanh Hà- Vị Xuyên, suối khoáng Nặm Choong – Quảng Ngần, huyện Xín Mần. Đặc biệt là các bài thuốc cổ truyền của Dân tộc Dao đỏ, sau một ngày trekking được ngâm mình trong những bồn nước thảo dược làm tan đi mệt mỏi.
Xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sao OCOP như: cam sành Bắc Quang – Vị Xuyên, hồng không hạt – Quản Bạ, mận hậu Su Phì, lê Cao nguyên đá, mật ong bạc hà, trà shan tuyết cổ thụ, bánh chưng... phục vụ du lịch.
Phát huy các món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao, có sự tham vấn của các chuyên gia ẩm thực Việt Nam nâng tầm thành các sản phẩm văn hóa ẩm thực đa dạng, độc lạ, phục vụ du khách.
Truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc (trang phục, kiến trúc nhà truyền thống, tập quán, phương thức canh tác...) cũng là một sản phẩm trải nghiệm không thể thiếu khi đến với Hà Giang vào bốn mùa trong năm. Ngoài ra, các giá trị về địa chất, địa mạo luôn là đề tài khám phá xuyên thời gian của các nhà khoa học, học sinh, sinh viên...
Thứ năm, chủ động, chuẩn bị sẵn các kịch bản xúc tiến quảng bá du lịch nhắm vào thị trường khách du lịch nội địa như: tổ chức không gian trưng bày văn hóa, du lịch, và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; tổ chức khảo sát và Hội nghị kích cầu du lịch nội địa Hà Giang; Liên hoan Ẩm thực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu và Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI năm 2020; tổ chức các chương trình khảo sát, kích cầu du lịch nội địa tới Hà Giang. Và đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến quảng bá và đẩy mạnh việc liên kết với các bên liên quan từ Trung ương tới địa phương trong công tác xúc tiến quảng bá giới thiệu thương hiệu điểm đến Hà Giang.
Thứ sáu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp trong nước đưa khách du lịch tới Hà Giang cũng như triển khai nhanh chóng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ theo quy định của Chính phủ như: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; miễn, giảm lãi suất và lệ phí; tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; triển khai các quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Thứ bảy, Hà Giang không ngừng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhằm hướng tới mục tiêu chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp. Riêng trong năm 2020 đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho 480 lao động trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm: nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, chế biến món ăn, tiếng Anh, HDV du lịch...
Thứ tám, tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, phát triển bền vững. Triển khai có hiệu quả đường dây nóng xử lý các ý kiến phản ánh, thắc mắc của du khách. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng các cơ sở dịch vụ du lịch.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương; bảo vệ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách trong hoạt động du lịch.
Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch gắn với việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp có thương hiệu trong nước và quốc tế. Qua đó, đầu tư, nâng cấp, mở rộng các khu điểm du lịch hiện có và đầu tư mới các dự án du lịch và có liên quan đến du lịch nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành du lịch Hà Giang trong thời gian tới.
Du lịch Hà Giang nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với thách thức của đại dịch Covid – 19. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, đây cũng là một cơ hội để cơ cấu lại mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó mục tiêu quan trọng là gìn giữ vảo vệ tài nguyên, môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hà Giang tin tưởng rằng, bước qua khó khăn ngày hôm nay, cũng chính là cơ hội để cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn, tốt đẹp hơn trong tương lai.
Nguyễn Hồng Hải
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang