Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017
Năm 2016, Bộ đã tập trung chỉ đạo các Cục, Vụ triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ phấn đấu đạt được chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, vấn đề chăm sóc người có công, phòng, chống tệ nạn xã hội.
Về công tác cai nghiện phục hồi, theo số liệu thông kê cả nước hiện có 202.604 người nghiện, tăng 2.470 người so với cuối năm 2015. Bộ LĐTBXH đã xây dựng chương trình, kế hoạch cai nghiện ma túy năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời đôn đốc, chỉ đạo địa phương thực hiện các chương trình này. Đến nay, có 53/63 các tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch/đề án triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện của địa phương theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, tăng 8 tỉnh, thành phố so với năm 2015.
Hiện nay, cả nước có 132 cơ sở cai nghiện ma túy trong đó: 110 cơ sở công lập (giảm 13 cơ sở so với năm 2015) do chuyển đổi sang chức năng khác; 22 cơ sở ngoài công lập (tăng 3 cơ sở so với 2015). Trong số 110 cơ sở công lập, có 5 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 75 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng; 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone; 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Có 23 tỉnh, thành phố thành lập Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng với 35 điểm; đã tổ chức tư vấn điều trị cho 1.635 lượt người. Hầu hết các Điểm đang chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn cho cán bộ để thực hiện nhiệm vụ cấp phát thuốc Methadone cho người điều trị nghiện theo nhiệm vụ Đề án đề ra. Tính đến hết tháng 7/2016, các cơ sở cai nghiện ma túy trong cả nước đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 24.123 người, trong đó cơ sở công lập 18.893 người (12.258 người cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện 3.301 người, quản lý sau cai tại cơ sở là 3.334 người); các cơ sở cai nghiện tư nhân là 5.230 người; cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai tại cộng đồng là 25.397 người, trong đó, cai nghiện tại cộng đồng là 5.513 người, quản lý sau cai tại cộng đồng là 19.884 người.
Việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng được ngành Y tế đẩy mạnh ở các tỉnh, thành phố. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có 58/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với 251 cơ sở điều trị cho 46.443 người; ngành LĐTBXH đã chỉ đạo triển khai tại 28 cơ sở có chức năng điều trị Methadone trong đó 15 cơ sở điều trị cho 2.434 người (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên, Bắc Giang, Hòa Bình và thành phố Hồ Chí Minh); 13 cơ sở có chức năng điều trị Methadone nằm trong cơ sở cai nghiện đa chức năng và cơ sở tự nguyện đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định về điều trị Methadone.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm UBCVĐXHQH nhấn mạnh, năm 2016, Bộ LĐTBXH cơ bản hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao về giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề, chăm sóc người có công và các công tác khác. Năm 2017, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác lao động, thương binh và xã hội; tăng cường công tác điều tra đánh giá vấn đề lao động, giảm nghèo, đào tạo nghề để có căn cứ khoa học trong hoạch định chính sách; giảm nghèo bền vững và cốt lõi không dàn trải; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; công tác cai nghiện phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện, giảm người nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng cường cai nghiện tại cộng đồng, huy động sự đóng góp của người nghiện, gia đình họ trong công tác cai nghiện phục hồi và giúp đỡ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng.
TH