Ảnh minh họa
(Tiếp theo và hết)
Giải pháp ứng phó nhằm làm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Khả năng giải quyết biến đổi khí hậu là một thử nghiệm kiểm tra năng lực của chúng ta trong việc xử lý hậu quả của chính mình. Với hiện trạng Việt Nam, vấn đề ứng phó với biển đổi khí hậu không còn là kế hoạch xa vời, trên giấy mà trở nên nhiệm vụ cấp bách đối với lực lượng hơn 13000 (265.000 buồng) cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) trên toàn quốc, đặc biệt hơn 3000 CSLTDL (với khoảng 5000 buồng) trong khu vực biển đảo.
Thứ nhất: Huy động các bên tham gia
Cần có sự quyết tâm chỉ đạo, lập chính sách, kế hoạch từ cấp cao nhất đến cấp nhân viên để nâng cao nhận thức cho tất cả nhân viên trong ngành, đồng lòng triển khai các giải pháp từ phòng ngừa đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với doanh nghiệp, không kể quy mô, hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên sẽ không thành công nếu như không có sự cam kết và hỗ trợ từ cấp quản lý cao nhất. Đối với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng khách hàng là những người có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường, vì vậy cần khuyến khích sự tham gia của họ trong bảo vệ môi trường thông qua các chiến dịch truyền thông.
Thứ hai: Công tác quản lý nhân sự
Việc xây dựng kế hoạch, phân công, phân trách nhiệm và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, khen thưởng, kỷ luật là công việc cần thiết để quản lý và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.
Thứ ba: Các biện pháp phòng ngừa
Với phương châm: “phòng hơn chống”, công tác phòng ngừa luôn phải đi đầu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự phát triển của ngành du lịch làm gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tác động đến khí hậu như:
Gia tăng lượng phát thải khí nhà kính do gia tăng việc sử dụng các phương tiện giao thông, vận chuyển tiêu thụ xăng dầu, gia tăng sử dụng các thiết bị làm lạnh (tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ…). Để khắc phục tình trạng này cần nghiên cứu và thay thế dần bằng các thiết bị thân thiện với môi trường, sử dụng những năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, gió, tăng cường kiểm soát chất thải, nước thải.
Gia tăng rác thải rắn, nước thải không được xử lý triệt để đầy đủ gây ô nhiễm môi trường. Đây là yếu tố chưa được nhiều nơi quan tâm. Chất thải rắn hiện được chia làm hai loại: chất thải ướt (thực phẩm thừa) và chất thải khô. Khoảng 60% cơ sở lưu trú du lịch bán chất thải ướt cho người dân địa phương để nuôi gia súc, chất thải khô bán cho người thu gom phế liệu, trong đó có từ 10% đến 30% được tái chế để tái sử dụng. Còn lại, rác thải được đưa đến các khu chôn rác tại địa phương để ủ làm phân bón. Tuy nhiên, lượng chất thải này chưa được thống kê đầy đủ mà chỉ dựa trên ước lượng của nhân viên làm việc tại đó.
Gia tăng việc tiêu thụ tài nguyên thông qua sự gia tăng tiêu thụ điện, nước và các sản vật thiên nhiên khai thác từ rừng, biển mà chưa có hoạt động tích cực nhằm phục hồi, cân bằng sinh thái. Để khắc phục tình trạng này, cần nghiên cứu tìm ra và đẩy mạnh sử dụng những năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, gió…
Kết quả điều tra, khảo sát quản lý môi trường tại các CSLTDL cho thấy:
Về quản lý tiêu thụ năng lượng: Các cơ sở phải chi một khoản tiền đáng kể để mua nguyên nhiên liệu như: điện, than, dầu lửa, khí đốt phục vụ cho thắp sáng, làm lạnh, vận hành các thiết bị đun nước nóng, phòng ngủ, nhà hàng, bếp, văn phòng. Một phần điện năng sản xuất từ đốt năng lượng hóa thạch sinh ra lượng CO2. rất lớn. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, do đó việc khai thác và sử dụng sẽ làm chúng ngày càng nghèo đi. Hơn nữa, sử dụng các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính và khí thải độc hại. Do đó, tiết kiệm năng lượng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường chung.
Cần tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, thiết bị tiết kiệm điện, năng lượng thay thế (mặt trời, gió, sức người, thủy triều…), tắt điện khi không sử dụng.
Phát triển và tuyên truyền cho các nhãn tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm thiết bị hiệu suất cao.
Về nhiều phương diện, cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu bắt đầu bằng việc học làm sao có hiệu suất cao hơn. Đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng cho phép chính phủ, doanh nghiệp cùng các hộ gia đình có thể tiết kiệm tiền lâu dài.Hiện đại hóa các hệ thống năng lượng đang tồn tại để tính ra hiệu suất năng lượng.
Về quản lý tiêu thụ nước và nước thải: Nước sạch được tiêu thụ nhiều nhất ở khu vực phòng ngủ của khách, vệ sinh công cộng, bể bơi, bộ phận sân vườn, giặt là. Nước sạch là nguồn tài nguyên hữu hạn, chỉ chiếm 1% lượng nước trên thế giới, việc tái chế hết sức khó khăn, nguồn nước thải nếu không được sử dụng đúng quy cách và xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm thậm chí làm suy thoái môi trường.
Về quản lý chất thải rắn: Cần phải phân loại và quản lý chặt chẽ rác thải, đặc biệt là một số chất độc hại như pin đèn, mực máy in, bao đựng hóa chất trước khi đưa đến nơi xử lý quy định.
Về quản lý khí thải: Nguồn khí thải gây tác hại nhiều nhất tới môi trường là khí CFC từ hoạt động của các thiết bị làm lạnh như: máy điều hòa không khí, tủ lạnh… ngoài ra còn có khói bếp và mùi thức ăn, thuốc lá, hóa chất.
Biện pháp giảm trừ khí nhà kính:
Một trong những cố gắng đầu tiên của nhân loại là các nước cùng ký kết Nghị định thư Kyoto.
Mỹ và các nước tiên tiến khác đã có nhiều nỗ lực giảm khí độc thải ra từ các xe máy nổ và các nhà máy kỹ nghệ. Hầu hết các tiểu bang đều có luật bắt buộc các phương tiện giao thông dùng động cơ nổ phải có giấy chứng nhận qua thử nghiệm định kỳ, đạt tiêu chuẩn nhả khói của hệ thống xe.
Nâng cao nhận thức của khách và nhân viên về các hệ thống năng lượng phù hợp với môi trường
Hướng tới sử dụng R-134a – hiện được coi là gas lạnh an toàn sử dungjt rong hầu hết các loại tủ lạnh, điều hòa không khí ô tô (MAC) đời mới. Khi mua các sản phẩm gia dụng, nhất là các loại bình xịt, tìm loại ghi trên nhãn “Không có CFC”.
Thay thế đi xe máy bằng đi bộ, phương tiện công cộng hoặc xe đạp khi di chuyển các quãng đường gần.
Giảm thiểu sử dụng bếp than hay bếp dầu.
Dùng hàng Việt Nam chất lượng cao để giảm thiểu việc vận chuyển hàng hóa giữa các nước
Để đảm bảo trong giới hạn ngân quỹ cacbon bền vững, các nước giàu phải giảm phát khí thải nhà kính ít nhất 80% vào năm 2050, trong đó đến năm 2020 phải giảm đến 30%. Các nước đang phát triển cũng phải có lộ trình chuyển đổi sang cacbon thấp ở tốc độ thích hợp với nguồn lực của họ, song song với phát triển kinh tế và xóa đỏi giảm nghèo. Muốn vậy phải chuyển nhu cầu sang các nguồn năng lượng cacbon thấp
Chúng ta có thể xem xét kinh nghiệm của California từ các chính sách đề xuất:
Dựa vào công cụ thị trường, định giá cho phát thải cacbon, sử dụng công cụ thuế và mua bán phát thải.
Lập tiêu chuẩn bảo tồn, trong đó xem xét đến chỉ tiêu giảm thải và ngân quỹ cacbon quốc gia. Năm 2004 California tuyên bố chỉ tiêu kiên quyết bảo tồn năng lượng nhằm tiết kiệm tương đương 30.000Gwh vào năm 2013. Để đạt mục tiêu này, tiêu chuẩn xây dựng và trang thiết bị mới đã được áp dụng.
Lập Tiêu chuẩn phát thải xe cơ giới
Tiêu chuẩn chất lượng ngành điện: đặt ra những tiêu chuẩn phát thải mạnh mẽ với điện mua theo các hợp đồng dài hạn, cho dù sản xuất ở đâu, từ đó thúc đẩy phát điện cacbon thấp, kể cả nghiên cứu và triển khai những nhà máy điện thu giữ CO2.
Khuyến khích sử dụng Năng lượng tái tạo. Với chương trình “một triệu mái nhà pin mặt trời”, tiểu bang California sẽ hoàn trả ước tính 2,9 tỷ đô la Mỹ trog vòng 10 năm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nào lắp đặt các tấm pin mặt trời, cùng với tín dụng thuế nhiều hơn để trang trải 30% phí lắp đặt.
Hiện nay, để giảm chi phí, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện và đã có những đề xuất quan trọng trong việc tiết kiệm điện. Điển hình là một số đơn vị như: các đơn vị của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và nhiều CSLTDL khu vực phía Nam đã lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời cho việc làm nóng nước và chiếu sáng. Khách sạn Hilton Hà Nội đã đầu tư thiết bị tiết kiệm điện có hiệu quả, tận dụng năng lượng làm nóng nước không cần đun; Công ty Liên doanh TNHH Hoàng Viên Quảng Bá thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm năng lượng thông qua các phương án cụ thể, thành lập ban chống lãng phí năng lượng, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ để tuyên truyền cho nhân viên trong công ty về tiết kiệm điện năng; Tập đoàn IHG sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện hiện đại như: thang máy, máy tính, âm thanh, hệ thống làm lạnh, thông gió, cung cấp nước…
Về đầu tư: Với các vùng biển nên chọn vật liệu bền, không bị xuống cấp nhanh trong môi trường nước mặn hoặc ngâm nước lâu. Tính toán cẩn thận suất đầu tư và khả năng tồn tại của đơn vị trong bối cảnh nước biển dâng.
Về thay đổi hành vi:
Báo cho khách du lịch và doanh nghiệp biết về việc khả năng hấp thụ CO2 của trái đất rất hạn chế, giảm phát thải có giá trị đáng kể.
Giảm chặt phá rừng. Các khu rừng trên thế giới là những kho chứa cacbon khổng lồ, đang mất dần do chặt phá rừng đã làm tăng thêm khoảng 1/5 tổng lượng cacbon toàn cầu. Tuy nhiên, do đóng vai trò thiết thực với cuộc sống của người nghèo qua việc kiếm thức ăn, củi đốt và thu nhập, việc khai thác đi đôi với trồng và bảo tồn cần được thực hiện nghiêm túc, hợp lý để đạt lợi ích ba mặt: giảm nhẹ biến đổi khí hậu, cuộc sống con người và giữ đa dạng sinh học.
Ảnh minh họa
Thứ tư: Phát huy sáng kiến
Cần tập trung trí tuệ tập thể, trao giải cho các sáng kiến nhằm làm giảm ô nhiễm không khí và nước, làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và mạng năng lượng, giảm cơ bản lượng phát thải cacbon.
Chúng ta có thể xem kinh nghiệm của London, Stockholm và Singapore trong việc xây dựng kế hoạch thu “phí ùn tắc” nhằm giảm tắc nghẽn giao thông, kinh nghiệm của Bec-lin trong chính sách năng lượng tái tạo và mái nhà xanh, kinh nghiệm của Copenhagen trong nâng cấp đường cho xe đạp và người đi bộ, kinh nghiệm của Chicago và Los Angeles trong kế hoạch trồng them 1 triệu cây xanh, kinh nghiệm của Amsterdam và Kyoto trong chính sách phát triển định hướng chuyển đổi, kinh nghiệm của Hông Kông, Thượng Hải và Đài Loan trong cải tiến hệ thống vận tải sáng tạo, kinh nghiệm của Bogotas trong kế hoạch xe buýt vận chuyển nhanh.
Thứ năm: Các biện pháp ứng phó
Giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tốc độ sa mạc hóa và tái tạo đất màu, chú ý giảm sự làm dụng trong chăn nuôi và canh tác đất. Cụ thể: Quy hoạch và nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm bảo chống được mức nước triều tần suất 5% ứng với gió bão cấp 9 (năm 2015) và cấp 10 (năm 2020) đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân viên và cộng đồng; tạo và trồng những giống cây trồng mới thích nghi với biến đổi khí hậu; trồng cây họ đậu (có khả năng rút đạm từ không khí ra truyền xuống đất) để cải tạo đất, trồng thảo mộc để đất đỡ bị xói mòn, trồng cây ở đụn cát để giữ cho vị trí của đụn được ổn định và tránh gió thổi bay cát; xếp đá quanh gốc cây để tạo sương và giữ độ ẩm, cào luống nhỏ để hột cây cỏ không bị gió thổi và hoãn nước mưa không tháo quá nhanh, trồng cây cản gió giảm thiểu bốc bụi và nước bốc hơi; giảm thiểu việc dùng củi do đốn cây. Khuyến khích dùng bếp bằng năng lượng mặt trời hoặc bếp có hiệu suất cao; đặt hàng rào chắn cát để cản sức gió.
Giải pháp ứng phó với bão lũ: Phòng ngừa, phòng chống bão lũ quét phải đảm bảo mục tiêu: giảm thiểu tốn thất về người, sinh mạng; giảm thiệt hại của cải vật chất; giảm sự ngừng trệ của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi hoạt động sau bão, lũ quét; giảm nguy cơ lũ quét ngày càng gia tăng.
Để đạt được mục tiêu trên đây cần thực hiện đồng bộ các biện pháp:
Sự chỉ đạo mạnh mẽ từ chính quyền cũng như lãnh đạo CSLTDL xây dựng chính sách, chương trình và kế hoạch, phương án cụ thể để phòng, chống bão lũ tích cực, phát huy được sự chủ động và sức mạnh tập thể khi tình huống xảy ra. .
Tuyên truyền giáo dục nhân viên tại cơ sở lưu trú du lịch về bão, lũ và lũ quét. Tăng cường nhân lực, kiện toàn bộ máy, mở lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên về kỹ thuật và cách thức phòng chống khi thiên tai xảy ra.
Cập nhật và truyền bá kịp thời tình hình thời tiết, khí hậu qua các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết bị dự báo
Bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, khoáng sản…).
Cách thực hiện:
Di dời nhanh chóng người và của ra khỏi khu vực bão lũ. Thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ, thực hiện khẩn trương việc giúp cư dân địa phương và du khách nghỉ tại đơn vị sơ tán nếu cần, tìm kiếm, cứu trợ, bảo vệ người và tài sản trong thời gian có bão hay lũ quét.
Đảm bảo không có khách nào bị đói, thiếu nước sạch, chỗ ở.
ảm bảo các dịch vụ y tế phòng chống dịch bệnh lây lan sau bão lũ.
Cùng chia sẻ, động viên với cộng đồng và gia đình các cán bộ nhân viên gặp khó khăn khi có bão lũ.
Làm thông thoáng tuyến đường giao thông bị bão lũ phá hoại, tránh sự cô lập sau bão lũ.
Giải pháp ứng phó với hạn hán:
Thực hiện nghiêm chính các văn bản quy phạm phát luật về tài nguyên nước.
Xây dựng bộ máy quản lý hạn hán thiếu nước nói riêng và quản lý thiên tai nói chung.
Theo dõi và dự báo hạn hán. Dự báo diễn biến hàng năm khi xét các yếu tố ảnh hưởng như phát triển kinh tế xã hội, tình trạng khai thác sử dụng, khả năng suy thoái nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thực hiện kế hoạch sử dụng nước sạch, tưới tiêu hợp lý, thu hồi, xử lý và sử dụng nước xám.
Trồng rừng và bảo vệ rừng.
Tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho các vùng có nguy cơ hạn hán cao làm phương án dự phòng.
Hiện nay nhiều nơi chất lượng thi công công trình chưa được hiện đại hóa và không phù hợp. Mùa khô thiếu nước do thiếu biện pháp cần thiết để đáp nhu cầu nước sạch ngày càng gia tăng, phát triển kinh tế xã hội các vùng chưa hợp lý, thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch không phù hợp với mức độ phát triển nguồn nước, không hài hòa với tự nhiên môi trường. Để ứng phó với vấn đề sa mạc hóa, các đơn vị cần:
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu UNFCCC tháng 11/1994[1] và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto tháng 9/2002[2]. Ban tư vấn – Chỉ đạo quốc gia về cơ chế phát triển sạch cũng đã được thành lập tháng 4/2003 với sự tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan.
Để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong xu thế hội nhập hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ tiêu chí Nhãn Bông sen xanh áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam và tài liệu "Hướng dẫn thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú ở Việt Nam", theo đó có các công cụ như : Kế hoạch môi trường cho doanh nghiệp (PEE) phát triển bởi cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp (ADEME) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình tiếp cận các phương pháp quản lý môi trường mà vẫn đảm bảo sự phát triển và năng động vốn có của doanh nghiệp; Hệ thống quản lý môi trường (EMS) được áp dụng trên cơ sở: “Quản lý môi trường càng tốt, hình ảnh của doanh nghiệp càng được nâng cao”; Chìa Khóa Xanh (CKX) - nhãn sinh thái quốc tế cho sản phẩm du lịch áp dụng cho nhiều loại hình khác nhau trên toàn thế giới như khách sạn, bãi cắm trại, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí và tổ chức hội thảo; Lá Xanh (LX) của Thái Lan chính thức thành lập và đăng ký hoạt động vào ngày 17/3/1998 - Chương trình được áp dụng đầu tiên tại các khách sạn, tập trung hỗ trợ sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên theo chủ đề “Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường”… Trong đó việc đánh giá thông qua các điểm số thể hiện mức độ hiệu quả của hoạt động quản lý môi trường.
Cùng với sự hợp tác đồng lòng của lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành trong xã hội và tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của quốc tế, ngành du lịch Việt nam nói chung và khối kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch nói riêng sẽ cố gắng ứng phó và thích ứng thành công với biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai, phát triển bền vững.
[1] Mục tiêu : Ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn gnừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu
[2] Đưa ra cam kết với các nước phát triển về giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn năm 1990 với tỷ lệ trung bình là 5,2% trong thời kỳ cam kết đầu tiên
ThS. Nguyễn Thanh Bình
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 3/2013)