Phát triển bền vững hiện là tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của hầu hết các nước. Đó là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, thể hiện qua sự tăng trưởng kinh tế ổn định, thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống.
Trên góc độ du lịch, mỗi quốc gia, mỗi thành phố, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, kiểm soát và hợp tác nhằm dự báo trước những yếu tố khí hậu và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu do phát triển nhanh, phát triển nóng mang lại.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến cơ sở vật chất ký thuật du lịch và hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch
Biến đổi khí hậu: trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biển đổi có thế là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thế giới hạn trong một vùng nhất định hay có thế xuất hiện trên toàn địa cầu bao gồm: sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung; sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất; sự dâng cao của nước biển do băng tan, dẫn tới ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển; sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác; sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển và địa quyển.
Việt Nam đã xuất hiện đầy đủ những hiện tượng trên, ngành Du lịch Việt Nam đã và sẽ hứng chịu những ảnh hưởng rõ rệt.
Thứ nhất: Việt Nam đang nóng lên
Nguyên nhân chính hiện tượng nóng lên toàn cầu là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
Các công ty du lịch phải thay đổi chương trình, giảm những hoạt động ngoài trời vào buổi trưa, tăng cường hoạt động vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối. Vì vậy, khách ở trong phòng nhiều hơn, các cơ sở lưu trú du lịch phải sử dụng hệ thống làm mát không khí với số lượng lớn hơn, tiêu thụ nhiều năng lượng và nước hơn.
Nhiệt độ ấm lên tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó kiểm soát được.
Dịch bệnh đã liên tục xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2003 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến ngành Du lịch. Trong những năm có dịch cúm gia cầm, nhiều đợt các cơ sở lưu trú du lịch phải loại bỏ hoàn toàn món gà trong thực đơn, trong khi đó là các món ăn phục vụ được đa dạng khách nhất vì khách theo đạo Hồi không ăn thịt lợn, khách theo đạo Hindu không ăn thịt bò.
Cùng với nhiệt độ trung bình nóng lên, khí hậu cũng khắc nghiệt hơn với mùa đông lạnh giá hơn. Hai tháng đầu năm 2008, 2010, khu vực phía Bắc Việt Nam đã có đợt rét kỷ lục về độ dài và độ lạnh, chưa từng có trong khoảng 100 năm gần đây khiến nhiều vật nuôi cây trồng bị chết, người mắc bệnh và tử vong do giá rét gia tăng. Điều đó đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động du lịch. Lượng khách đến khu vực phía bắc giảm vào đầu năm mới, một trong các nguyên nhân là do thời tiết quá lạnh, gây giảm công suất buồng phòng của các cơ sở lưu trú du lịch.
Các nguồn nước: nước uống, nước tưới tiêu, nước cho kỹ nghệ và máy phát điện, sức khỏe của các loài thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi của các trận mưa rào và tăng khí bốc hơi. Mưa tăng gây lụt lội thường xuyên hơn, khí hậu thay đổi có thể làm đầy các lòng chảo nối với sông ngòi. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nước sạch của các cơ sở lưu trú du lịch.
Các tài nguyên bờ biển: mất dần do nước biển dâng, làm mất đi hàng nghìn ki lô mét vuông đất khô ráo và đất ướt. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch vùng ven sông, ven biến mất đáng kể diện tích đất sử dụng hoặc có nguy cơ chím dần trong nước.
Lâm nghiệp: nhiệt độ cao làm cháy rừng xảy ra dễ hơn. Các CSLTDL gần hoặc trong khu vực đó rất mệt mỏi hoặc phải tham gia ứng cứu.
Năng lượng và vận chuyển: Nhiệt độ ấm hơn làm tăng nhu cầu làm lạnh và làm giảm nhu cầu làm nóng. Sẽ có ít hư hại do vận chuyển mùa đông, nhưng vận chuyển đường thủy bị ảnh hưởng do những trận lụt gia tăng hay mức nước sông giảm.
Thứ hai: Thiên tai gia tăng
Biến đổi khí hậu tại Việt Nam ảnh hưởng lên đời sống, sinh hoạt của người dân và các hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng rõ ràng. Đặc biệt lương thực, thực phẩm và nước sạch, nước ngọt sẽ trở nên khan hiếm hơn. Với ngành Du lịch, do chi phí cho cuộc sống gia tăng, rủi ro khi đi du lịch tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu du lịch, hạn chế rất nhiều cho sự phát triển du lịch.
Trong 20 năm qua mực nước biển đã dâng cao thêm 6cm, các cơn bão mạnh hơn và đổ bộ nhiều hơn vào các tỉnh phía Nam, cường độ mưa thay đổi (mạnh hơn và lượng nước lớn hơn), các chu kỳ hạn hán nóng hơn và kéo dài hơn (một số vùng của Nam bộ mấy năm qua không hề có trận mưa nào).
Hiện trạng này khiến nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú du lịch mất dần diện tích sử dụng hoặc nhanh chóng xuống cấp, hư hại đồ đạc, vật dụng.
Đây là những điểm bất lợi cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Nhiều chương trình phải thay đổi lịch trình hoặc hoãn, hủy tour khi có thiên tai xảy ra.
Hiện nay các doanh nghiệp cơ sở lưu trú du lịch thường phối hợp với các hang lữ hành khi xây dựng chương trình cho khách thường phải có 1-2 phương án chương trình dự phòng ở lại khách sạn cho những khi thời tiết không thuận lợi, mưa bão úng lụt không đến được điểm tham quan theo lịch trình, có phương án xử lý khi sự cố xảy ra như những trường hợp khách gặp tai nạn, kẹt trong mưa bão không có phương tiện giao thông, liên lạc và có những khuyến cáo từ trước chuyến đi cho du khách.
(còn nữa)
ThS. Nguyễn Thanh Bình
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2013)