Đoàn chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đi Ninh Bình dưới màn mưa mù mịt do ảnh hưởng của cơn bão Mun đổ bộ. Cả đoàn, nhất là Zimba Zam không khỏi lo lắng vì kế hoạch khám phá Tràng An có nguy cơ đổ bể. Thời gian của chị ở Việt Nam không nhiều, vì thế, lỡ một cơ hội là mất đi một trải nghiệm hiếm có. Thật may mắn là càng tới gần vùng đất cố đô thì mưa càng giảm và khi đến nơi thì trời quang mây tạnh. Một vùng non nước trời mây hòa quyện, cảnh sắc thiên nhiên tráng lệ hiện ra trước mắt.
Từ bến thuyền du lịch Tràng An, đoàn bắt đầu hành trình khám phá khu du lịch sinh thái Tràng An (nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận), chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình, sự hòa quyện giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với các di tích lịch sử tạo nên không gian huyền ảo. Ngồi trên thuyền, chúng tôi tận hưởng bầu không khí trong lành đến tuyệt diệu. Sau cơn mưa, đáy nước trong vắt soi rõ những thảm rêu, từng đàn cá tung tăng trong làn nước biếc. Dòng sông mềm mại như dải lụa uốn lượn giữa quần thể núi đá vôi trùng điệp, non xanh nước biếc tráng lệ.
Con đò nhẹ nhàng rẽ nước, mái chèo tạo nên tiếng róc rách nghe thật vui tai. Hai bên bờ sông, từng đám sen, súng đua nhau bung nở như tô điểm thêm những nét chấm phá vào bức họa thiên nhiên tuyệt tác.
“Vẻ đẹp Tràng An hết sức đặc biệt. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi thuyền. Đất nước chúng tôi nằm ở độ cao trung bình 3.700 m so với mặt nước biển nên cơ hội được trải nghiệm sông nước bằng thuyền là vô cùng hiếm. Tôi ấn tượng nhất khi thuyền đi qua các hang xuyên núi, có những đoạn phải cúi gập người để tránh những vách đá nhô ra từ lòng hang. Đây là trải nghiệm cực kỳ thú vị mà tôi không thể nào quên”, Zimba bày tỏ.
Zimba Zam có 16 năm làm việc tại ABC Travel – doanh nghiệp du lịch lớn nhất của vương quốc Rồng sấm huyền thoại. Năm 2018, được sự chấp thuận của chính phủ Bhutan, một chi nhánh của công ty được thành lập và chính thức đi vào hoạt động với tên giao dịch Lantours Bhutan, hướng tới mục tiêu kết nối, tổ chức các hoạt động du lịch từ Bhutan tới Việt Nam và ngược lại. Chia sẻ về tên chi nhánh, Zimba Zam kể, đây là một nhân duyên lớn bởi sự gặp nhau về ý tưởng sau một thời gian làm việc, hợp tác du lịch với Lantours (Việt Nam). Chuyến đi Việt Nam lần này không nằm ngoài mục đích giao lưu, kết nối để đưa du khách Việt Nam tham quan, trải nghiệm Bhutan cũng như du khách Bhutan đến Việt Nam. Chính vì vậy, nhân chuyến khảo sát Việt Nam lần này, Lantours kết hợp với Âu Lạc Travel và Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức chương trình giao lưu du lịch, tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ, hợp tác. Giám đốc Lantours Bùi Tuyết Lan- một trong những doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tiên phong mở tuyến du lịch Bhutan cho biết, những năm trước, các chuyến bay đến Bhutan đều phải transit tại Băng Cốc (Thái Lan) khiến lịch trình tour kéo dài (do phải lưu trú 1 đêm tại Thái Lan) và giá thành tour đội lên rất nhiều. Với sự nỗ lực không ngừng, từ 2018 Lantours chính thức có văn phòng giao dịch tại Bhutan nhằm hỗ trợ tốt nhất về landtour, visa cho du khách đồng thời khai thác charter bay thẳng Việt Nam – Bhutan, tạo thuận tiện rất lớn cho du khách Việt Nam sang Bhutan. “Sự kết hợp giữa Lantours với Âu Lạc Travel sẽ phát huy cao nhất năng lực của 2 đơn vị để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tốt hơn”, giám đốc Âu Lạc Travel Trần Văn Đô chia sẻ. Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Ninh Bình ghi nhận những chia sẻ của các doanh nghiệp và khẳng định, Ninh Bình đảm bảo cung cấp các sản phẩm du lịch đa dạng, từ du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái, khám phá, trải nghiệm… và cung ứng các dịch vụ tới khách hàng một cách chu đáo nhất. Bà Thanh cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể hơn để du khách Ninh Bình có nhiều thông tin về Bhutan, cũng như người dân Bhutan biết về Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung. |
Viễn Nguyệt