“Biến nguy thành cơ”
STDe là nơi hội tụ chất xám của nhiều nhà khoa học đầu ngành, với 10 năm theo đuổi sứ mệnh thay đổi tư duy xã hội trong khai thác và sử dụng tài nguyên. Trên quan điểm hai chiều theo hướng “tư duy ngược”, STDe không chỉ nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một thảm họa mà theo khía cạnh khác, đại dịch mang tới những bài học quan trọng, gửi gắm những thông điệp quý giá từ thiên nhiên tới con người, hãy thay đổi tận gốc rễ để tạo ra các giá trị mới tốt đẹp và bền vững. Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe, trong những khoảnh khắc khó khăn nhất thì những vấn đề cốt lõi mang tính bản chất mới được hé lộ, STDe nhận diện được các thông điệp mà mỗi thảm họa tạo ra, cụ thể đã từng đưa ra các sản phẩm như “tour trong bão lũ”, “tour bóng đêm”, “tour ngày tận thế”... Với đại dịch Covid-19, STDe cũng tiếp cận theo hướng tư duy đột phá “biến nguy thành cơ”, tập trung vào những cơ hội, tiềm năng có thể khai thác được từ đại dịch Covid-19; đề xuất hướng đi, giải pháp trước mắt và kế hoạch lâu dài để du lịch thích ứng với đại dịch Covid-19 và các biến đổi thiên nhiên - xã hội khác.
Theo STDe, trong nhiều thông điệp mà đại dịch Covid-19 gửi đến, quan trọng nhất là thông điệp “trong nguy có cơ”, là cơ hội cho những người làm du lịch khai thác yếu tố này. Đây cũng là cơ hội lan tỏa tư duy mới, thay đổi tư duy khai thác cũ, thay đổi cấu trúc và mô hình phát triển, nhận thức về khung giá trị sống, thói quen sinh hoạt… tạo nên những mô hình giá trị mới. Chính vì những điều đó, STDe tổ chức các buổi tọa đàm bàn tròn hàng tháng, nhằm kết nối và quy tụ các sáng kiến, giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ những khó khăn thách thức của du lịch hậu Covid-19.
Đề xuất những sản phẩm du lịch mới
Tại tọa đàm bàn tròn đầu tiên, các nhà khoa học, chuyên gia du lịch và doanh nghiệp lữ hành đã phân tích các vấn đề: hậu Covid-19 du khách sẽ muốn gì, cần gì, tâm lý ra sao, xu hướng và hình thức du lịch thay đổi như thế nào... để hình thành các sản phẩm du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu, thậm chí đi trước nhu cầu.
Về xu hướng du lịch hậu Covid-19, quan điểm của STDe cho rằng, 2 xu hướng phát triển mạnh đóng vai trò chủ đạo song song sẽ là xu hướng du lịch 4.0 (phát huy các kỹ năng công nghệ hiện đại) và xu hướng du lịch 0.4 (trở về với thiên nhiên đơn thuần). Cụ thể, du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch giai đoạn hậu Covid-19 gần nhất; du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng resort, homestay trong không gian độc lập; du lịch trở về thiên nhiên hoang dã, môi trường trong sạch yên tĩnh, sinh thái rừng biển, sinh thái nông nghiệp; du lịch tâm trí thực tế qua thế giới ảo với công nghệ 4.0… là những loại hình du lịch nên phát triển và sẽ được đón nhận nồng nhiệt; du lịch cách ly trở về với chính mình sẽ là loại hình du lịch tương lai được nhiều người mong muốn khám phá.
Theo đó, STDe đưa ra ý tưởng về các tour giúp du khách trải nghiệm sống trong đại dịch. Theo tour này, du khách sẽ tiếp cận qua mô hình khách sạn tự cách ly - những ngôi nhà có cấu trúc đặc biệt thích nghi với dịch bệnh, ăn món ăn đặc biệt phòng chống Corona, học cách kết nối và đối thoại với đồ vật xung quanh, học cách tự sáng tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà, học nấu ăn, vẽ tranh, chơi đàn…; hay sử dụng công nghệ 4.0 tham quan bệnh viện dã chiến, tìm hiểu cuộc chiến đấu với tử thần của các anh hùng áo trắng, tấm gương con người tỏa sáng sau đại dịch… Du khách sẽ sống trong không gian tĩnh lặng để suy nghĩ chiêm nghiệm về cuộc đời, các giá trị sống, những quy luật vô thường, sinh lão bệnh tử… qua đó, mục tiêu giúp du khách bình tĩnh, lạc quan và có lối sống tích cực trước thách thức, cam go.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, sản phẩm du lịch trải nghiệm sống trong đại dịch có tính khả thi, tuy nhiên chỉ mang tính thời điểm. Hậu Covid-19, du khách sẽ đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu, do đó xu hướng đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình sẽ nhiều hơn đoàn; xu hướng du lịch đến những điểm tránh sự tập trung đông người, tránh đường bay di chuyển quá nhiều, ưu tiên bay thẳng; du lịch sức khỏe liên quan yoga, thiền, sinh thái… dẫn tới sự phát triển các khu du lịch sức khỏe nhiều hơn... “Hình thức đi theo nhóm nhỏ đến với khu nghỉ dưỡng cao cấp là xu hướng sẽ phát triển theo thời gian” - PGS.TS. Phạm Hồng Long nhận định.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, tiếp cận 0.4 sẽ là xu hướng phù hợp hơn, như phát triển các loại hình du lịch sống chậm, du lịch cống hiến… TS. Trần Xuân Hiếu - Phó Giám đốc STDe cho rằng, nên khai thác các tour 0.4 dành cho du khách bên cạnh hưởng thụ chuyến đi, tái sản xuất sức lao động, tái sản xuất cảm xúc, còn tham gia cống hiến cho xã hội và tự nhiên, như qua hình thức tình nguyện hay trồng cây… Bên cạnh đó, “các sản phẩm du lịch hậu Covid-19 nên tiếp cận theo quan điểm biên niên sử của một cuộc chiến; xem xét lựa chọn giữ lại một số giá trị vật thể như các đồn tạm thời chống dịch ở biên giới... đưa vào sản phẩm du lịch”. Một số doanh nghiệp như Lux Travel, PYS Travel… cho biết sẵn sàng phối hợp với các sản phẩm 0.4 của STDe, thiết kế các gói chương trình phù hợp với từng đối tượng khách khác nhau. Mặc khác, STDe cũng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các tour đột phá về ý tưởng hậu Covid-19; đồng thời, mong muốn liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp trên diện rộng để lan tỏa tư duy này, hướng tới những đề xuất hỗ trợ để các ý tưởng có tính khả thi trên thực tế.
Nhu cầu du lịch thay đổi, hình thức du lịch thay đổi dẫn tới các doanh nghiệp du lịch cũng phải thay đổi cả về loại hình cung cấp, cấu trúc và cách thức vận hành tour du lịch, quy hoạch không gian, cảnh quan và thiết kế các công trình kiến trúc du lịch… Chính vì vậy, tọa đàm bàn tròn 2 sẽ được STDe tổ chức vào ngày 6/6/2020 tại Hà Nội đi sâu hơn vào nội dung “Quy hoạch và kiến trúc du lịch hậu Covid-19”, quy tụ các sáng kiến, giải pháp quy hoạch và kiến trúc công trình du lịch từ các nhà quản lý, nhà khoa học, kiến trúc sư, doanh nghiệp, báo chí… nhằm thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19.
|
Hạ Tinh