Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch Việt Nam đã “đóng băng” tạm thời từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các hoạt động đi lại, vận chuyển hàng không, du lịch trên thế giới bị ngừng trệ.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thời điểm này dịch bệnh cơ bản đã được đẩy lùi, để triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, TCDL đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Kế hoạch phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2020.
Về mục tiêu của chương trình – Theo Tổng Cục trưởng TCDL - nhằm kích cầu du lịch nội địa; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đi du lịch tới các vùng miền trong cả nước. Chương trình được tổ chức nhằm thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, các DN liên quan du lịch để khôi phục thị trường nội địa. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.
Đánh giá sơ bộ tác động của đại dịch Covid 19, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng việc tạm ngừng các hoạt động du lịch thời gian vừa qua không chỉ tác động nặng nề tới các DN và người lao động trong ngành du lịch mà còn tác động gián tiếp tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác có liên quan.
“Quý I năm 2020, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 13 triệu lượt, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch ước đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước”, ông Khánh thông tin.
“Trong những năm gần đây, lượng khách nội địa đi du lịch Việt Nam đều đạt trên 80 triệu lượt, chiếm tỷ trọng trên 80% trong cơ cấu nguồn khách du lịch, là một bộ phận có đóng góp lớn trong tổng thu của ngành du lịch. Trước bối cảnh đất nước dần trở lại nhịp sinh hoạt bình thường hậu Covid-19, chúng tôi nhận định đây là thời điểm vàng để khôi phục thị trường khách du lịch nội địa, tạo đà tăng trưởng quan trọng “phá băng” cho ngành Du lịch Việt Nam. Trong khi du lịch quốc tế chưa thể hoạt động trở lại do các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải triển khai các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh, thì việc kích cầu du lịch nội địa tại thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng giúp từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch, giúp các DN du lịch vượt qua khó khăn hiện nay”, Tổng Cục trưởng TCDL nhấn mạnh và đề nghị các địa phương, các hiệp hội, DN, đơn vị kinh doanh du lịch, các hãng hàng không, DN vận tải du lịch… cùng phối hợp, xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhất nhằm thu hút khách du lịch nội địa.
Các DN, đơn vị kinh doanh du lịch hưởng ứng tham gia Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; xây dựng các chương trình kích cầu/khuyến mại/giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với khách du lịch; đồng thời tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách.
Đồng quan điểm, Chủ tịch TAB Trần Trọng Kiên cho rằng, việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng. Năm 2019 Việt Nam có khoảng 16 triệu lượt du khách đi ra nước ngoài và thời điểm hiện tại họ sẽ quay về với du lịch trong nước.
“Đi du lịch bây giờ chúng ta giúp vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn, mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới”, ông Kiên bày tỏ.
Ý kiến chia sẻ của Giám đốc ngành Apps và Du lịch, Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương Emily Nguyễn cho thấy, sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam đã xuất hiện từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Các tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua.
Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho hay, năm 2019 TikTok chạy 3 chương trình gồm Chào Đà Nẵng, Ninh Bình và chương trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam. Số lượng xem lần lượt là 129 triệu, 109 triệu và 190 triệu.
Theo ông Thanh, ảnh hưởng của TikTok tại thời điểm này đã có sự khác biệt lớn so với trước. Đợt giãn cách xã hội vừa qua, TikTok làm clip “ở nhà vẫn vui” với kỳ vọng 200 triệu lượt xem nhưng chỉ sau 21 ngày lượt view lên tới 6,1 tỷ, cùng 35.000 video người xem tạo ra lấy cảm hứng từ clip trên.
“TikTok đóng vai trò trung gian kết nối với người tiêu dùng, chuyển tải thông điệp an toàn và mong muốn đồng hành với ngành Du lịch để quảng bá các điểm đến Việt Nam tới du khách trong nước, ông Thanh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu ngay sau khi dịch được kiểm soát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thiên Định cho biết, Huế đã miễn phí vé tham quan đại nội, giảm 50% tham quan điểm di tích đến hết tháng 7/2020, khi cần sẽ tiếp tục gia hạn, đồng thời sẽ xây dựng các video quảng bá, triển khai gói kích cầu với giá phòng giảm khoảng 25%, lữ hanh giảm 30%, Huế cũng phối hợp với Quảng Nam – Đà Nẵng để kích cầu du lịch. Ông Định đề xuất các hãng hàng không sớm mở lại đường bay Huế - Hà Nội, hiện tại mới có VietnamAirlines nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, ngoài ra cần có các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của Bộ VHTTDL, TCDL…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Hồ An Phong, hiện du lịch nội địa là giải pháp tình thế lấp khoảng trống du lịch quốc tế, về lâu dài cần có chiến lược cụ thể. Kích cầu để lấy nhuệ khí, lấy đà cho các hoạt động là rất quan trọng. Ông Phong cho rằng các tỉnh trọng điểm rất kịp thời triển khai kích cầu, đáp ứng nhu cầu của du khách, ông cũng đề nghị Bamboo Airway mở tuyến bay Đồng Hới- TP.HCM để tạo thuận tiện cho du khách đến Quảng Bình.
Một minh hoạ sinh động được Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nêu ra tại hội nghị cho thấy vai trò của DN hết sức quan trọng không chỉ trong kích cầu mà liên quan nhiều vấn đề khác. “Từ khi FLC đầu tư tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, đã thu hút rất đông khách quay trở lại, và chuyện chặt chém du khách đã cơ bản chấm dứt, lượng khách từ 3 triệu lượt đã lên 9 triệu khách năm 2019. Tỉnh Bình Định trước đây chỉ có 3 chuyến bay 1 tuần, sau 3 chuyến/ ngày; sau khi FLC đầu tư tại Bình Định các chuyến bay tăng lên 47 chuyến/ngày”, ông Quyết nói và đề nghị các địa phương chung sức vào cuộc mang tính đồng bộ góp phần tạo sức bật của du lịch.
Nhận định về tình hình kích cầu du lịch nội địa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho rằng, dư địa của du lịch nội địa rất lớn với 85 triệu khách tiềm năng sẽ thúc đẩy các hoạt động của nhiều ngành nghề do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Tuy nhiên, để đẩy được du lịch nội địa, còn phải “nhìn” vào hàng không và các dịch vụ khác. Hiện du khách vẫn còn tâm lý lo ngại du lịch có an toàn hay không, vì vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn tiêu chí du lịch an toàn do TCDL ban hành, tại tất cả các địa phương. Mặt khác, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, vấn đề quan trọng là làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Ngành VHTTDL đã tính đến phương án kiến nghị Chính phủ cho vay kích cầu tiêu dùng nội địa (trong đó có du lịch), tuy nhiên cần phải nghiên cứu kỹ hơn, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đánh giá cao vai trò các địa phương vừa qua đã triển khai các gói kích cầu để phục hồi như Quảng Ninh tung gói 200 tỷ để tạo thuận lợi cho các DN, hộ kinh doanh cùng với nâng cao chất lượng, để du khách được thụ hưởng các dịch vụ tốt hơn. Cùng với đó, nhiều DN đã quảng bá trực tuyến bằng công nghệ thông tin - xu thế tất yếu của du lịch trong thời đại 4.0.
“Ngành VHTTDL luôn đồng hành với địa phương, DN để triển khai các hoạt động du lịch nội địa đạt kết quả tốt nhất”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định.
Viễn Nguyệt