Thưa ông, từ sau ngày 15/3/2022, Du lịch Việt Nam chính thức mở cửa đón khách trở lại và đã có sự khởi sắc. Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông nhìn nhận thế nào về bức tranh du lịch Việt Nam hiện nay?
Có thể nói thời điểm mở cửa du lịch Việt Nam ngày 15/3/2022 đã đánh một dấu mốc quan trọng, mở toang cánh cửa hồi sinh cho ngành Du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch háo hức bật dậy nhanh chóng với rất nhiều kế hoạch; địa phương triển khai loạt tour, tuyến mới; hệ thống lưu trú huấn luyện nhân viên, tu bổ lại cơ sở hạ tầng; lữ hành rục rịch kết nối lại với các đối tác nước ngoài… Kết quả là năm 2022, Việt Nam đón và phục vụ hơn 3,66 triệu lượt khách quốc tế, gấp 23,3 lần so với cùng kì năm 2021. Dù số lượng khách vẫn còn thấp rất nhiều so với thời điểm trước dịch COVID-19, tuy nhiên đã phần nào đánh dấu sự khởi sắc tuyệt vời của du lịch Việt Nam năm 2022.
Riêng với Lux Group, thị phần khách quốc tế năm 2022 chủ yếu là thị trường khách Âu, Mỹ, Úc. Trong đó, khách đến từ thị trường Đức tăng trưởng nhanh và mạnh nhất, bằng với doanh thu và lượng khách của năm 2019. Tiếp đến là thị trường Anh và Tây Ban Nha; các thị trường khác cũng đạt 70% so với 2019.
Thời điểm trong và sau khi kiểm soát dịch COVID-19, Lux Group đã vượt khó thế nào? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế?
Đại dịch COVID-19 phủ bóng đen lên ngành kinh tế xanh toàn cầu. Không riêng Lux Group mà tất cả các doanh nghiệp du lịch đều phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Để đảm bảo hoạt động của Lux Group, vượt qua khó khăn, tôi đã phải đưa ra vô số quyết định từ táo bạo, đau đớn đến mạo hiểm, được tính theo ngày, theo tuần. Nhưng đây cũng là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, cấu trúc lại, tạo những sản phẩm tốt hơn cho mùa tới; đào tạo thêm, nâng cao năng lực, kỹ năng, hiểu biết, đặc biệt là thái độ phục vụ khách cho nhân viên. Suốt thời kì đại dịch, Lux Group đã buộc phải chuyển hướng kinh doanh đến thị trường cao cấp Việt Nam và châu Á; năng động, sáng tạo, chuyên tâm thực hiện các hoạt động dịch vụ đảm bảo thỏa mãn quyền lợi khách hàng.
Lux Group đã không ngừng đổi mới, số hóa toàn bộ doanh nghiệp; các quy trình quy chuẩn được thiết lập. Chiến lược của Lux Group đã được thay đổi cho phù hợp và tồn tại được nhờ sự thân thiện, nhờ vào quyết tâm làm hài lòng du khách. Các ý tưởng mới, sản phẩm mới, cách tư duy mới được đưa vào triển khai tạo ra kết quả. Trong năm 2022, doanh thu và lượng khách của toàn bộ hệ sinh thái Lux Group đã phục hồi 50%. Lux Group kỳ vọng phục hồi 80% doanh thu và lượng khách trong năm 2023; phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào ngày 15/3/2023 nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; thảo luận những hạn chế, điểm nghẽn và giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững. Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông có kiến nghị, đề xuất gì đến Hội nghị này?
Ở góc độ doanh nghiệp, tôi mong muốn toàn ngành Du lịch Việt Nam sẽ ngồi lại với nhau, cùng trao đổi để tháo gỡ những vướng mắc, đưa ra những giải pháp phát huy hết những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Nói đi đôi với làm, làm quyết liệt để du lịch thực sự là ngành kinh tế. Cần đánh giá lại kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong đó có kinh tế du lịch.
Cụ thể: Tôi mong muốn có Bộ Du lịch; có thể chế, chính sách rõ ràng; chính sách miễn visa đến 30 ngày, vào ra nhiều lần cho những nước đã miễn visa; visa điện tử cho tất cả các quốc tịch còn lại bằng nhiều ngôn ngữ. Làm sao để khách đến được dễ dàng, cảm thấy được chào đón ngay từ điểm chạm đầu tiên là visa. Các nước đang cạnh tranh khốc liệt để thu hút khách đến, trong khi chính sách visa hiện nay của Việt Nam cần phải thay đổi bắt kịp khu vực. Cần mạnh dạn thực thi chính sách visa vàng, lưu trú 3 đến 6 tháng cho khách muốn đến sống, lưu trú và tiêu tiền tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, định vị thương hiệu du lịch quốc gia, lấy di sản văn hóa và thiên nhiên làm khác biệt độc đáo. Du lịch Việt Nam cần phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, du thuyền, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa. Phát triển điểm đến du lịch theo hướng du lịch bền vững, hướng đến các điểm đến không ô nhiễm; quản lý tốt điểm đến, đem lại nhiều cảm xúc, nhiều trải nghiệm để khách tận hưởng từng khoảnh khắc, và chỉ mang về những kỉ niệm đáng nhớ. Làm du lịch tử tế, xuất phát từ tâm, sự hiếu khách; lấy khách hàng làm trung tâm và thỏa mãn họ. Dùng thái độ chiều khách của người làm du lịch gây thương nhớ để du khách tiếp tục quay lại.
Cần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ mua sắm, giải trí, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Phải làm sao để khách có cơ hội tiêu tiền, làm sao để khách mua cạn túi tiền vẫn còn muốn tiếp tục mua… Không “ăn mày” di sản, mà phải kiếm tiền từ kinh tế sáng tạo; hình thành công nghiệp văn hoá, làm sao để khách vui, ta khoe được văn hoá mà lại kiếm được nhiều tiền. Luôn đổi mới sáng tạo, số hoá trải nghiệm của khách du lịch; phục vụ thống kê, hoạch định chuẩn chiến lược; chấm dứt ước lượng, ước chừng, khoảng… Đặc biệt là nên lấy số liệu thống kê để hoạch định tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Tuấn Sơn (thực hiện)