Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần thống nhất nhận thức, hành động để phát triển du lịch trong thời gian tới
Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;
Kính thưa đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương cùng toàn thể các đại biểu dự họp!
1. Như chúng ta đã biết, vào ngày này một năm về trước, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19.
Hôm nay, ngành Du lịch xin bày tỏ sự trân trọng, biết ơn Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã quan tâm, ưu tiên dành thời gian chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch “Thúc đẩy phục hồi - Tăng tốc phát triển” nhằm đánh giá lại kết quả một năm mở cửa du lịch, thống nhất nhận thức, hành động để phát triển du lịch trong thời gian tới.
2. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã cố gắng, nỗ lực cùng với các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện liên quan để tổ chức Hội nghị; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 846/BVHTTDL-TCDL ngày 9.3.2023, báo cáo chi tiết kèm theo các Phụ lục đã được Bộ VHTTDL gửi tới các đại biểu.
3. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Lãnh đạo Bộ VHTTDL, tôi xin báo cáo tóm tắt tình hình phục hồi và phát triển du lịch thời gian qua và phương hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới như sau:
3.1 Về kết quả đạt được:
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể từ khi mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã tích cực phối hợp, đồng bộ triển khai các hoạt động phục hồi, phát triển du lịch:
i) Về cơ chế chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam:
- Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bước đầu đạt được nhiều kết quả. Đầu tiên, chúng ta đã nỗ lực nghiên cứu, tháo điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Để nêu cao vai trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa làm bệ đỡ trong bối cảnh Việt Nam từng bước tiếp cận với thị trường quốc tế, với các khía cạnh này, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, Bộ, ngành khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch.
- Bộ Công an và các Bộ, ngành khác đã áp dụng giao dịch điện tử trong xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam.
- Ngoài tháo gỡ cơ chế, chính sách, để thực hiện các cơ chế, chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, để hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác về miễn, giảm tiền điện nước, thuế đất đai cho các cơ sở lưu trú.
ii) Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch. Từ đó, giúp du lịch có bước phục hồi nhanh.
Ngành Du lịch đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện để phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp “Sống trọn vẹn tại Việt Nam” trong giai đoạn mở cửa thị trường:
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 để tổ chức thực hiện.
- Tổ chức chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số với khẩu hiệu “Việt Nam: Đi để yêu!” bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt - tiếng Anh.
- Lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế, gần đây nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức khẳng định mạnh mẽ thông điệp mở cửa, sự hiện diện và hòa nhập với thị trường quốc tế trong điều kiện mới. Tất cả những sự kiện này đã nhận được sự quan tâm, chú ý của các cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế; nhất là đơn vị lữ hành. Chúng ta cũng có những cam kết bước đầu đạt được.
- Tại Hội chợ ITB Berlin 2023, đã có 700 biên bản ghi nhớ và cuộc đàm phán giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, công ty lữ hành với bạn bè quốc tế nhằm cam kết đưa khách quốc tế đến với Việt Nam.
- Nhiều hoạt động liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương tổ chức như: Hà Nội tổ chức Diễn đàn du lịch MICE, TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Lễ hội Áo dài với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp “Tận hưởng Đà Nẵng”, Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023…
- Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ). Vietnam Airlines, Vietjet là những hãng hàng không đi đầu trong vấn đề này.
iii) Từ quan điểm về nền kinh tế số, ngành du lịch cũng đã mạnh dạn chuyển đổi số
- Hệ sinh thái du lịch thông minh từng bước được hình thành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
- Được sự ủng hộ của Bộ Công an, vừa qua Tổng cục Du lịch và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã trao đổi, phối hợp liên thông dữ liệu giữa hai bên, chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến…làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch trong thời gian tới.
Chính nhờ các giải pháp, toàn ngành Du lịch với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ và Thủ tướng, năm 2022 du lịch Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu về du lịch nội địa, đạt 101,3 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm; tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Đóng góp của toàn ngành Du lịch, theo thống kê chưa đầy đủ đạt 495.000 tỉ đồng; góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
2 tháng đầu năm, với các chính sách nêu trên của Chính phủ lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022. Khách nội địa đạt 20 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỉ đồng. Đó là những kết quả chúng ta nhìn lại sau 1 năm mở cửa du lịch.
3.2. Ngoài những kết quả nêu trên, với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, chúng ta vẫn cần nhìn lại những hạn chế, tồn tại. Chúng ta mở cửa trước, đi trước nhưng còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành Du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Một số nguyên nhân chính qua theo dõi và chỉ đạo chúng tôi nhận ra rằng:
- Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa hoàn toàn do tác động của Covid-19 và chính sách của từng quốc gia. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, tiềm năng chưa chủ động, còn chậm và chưa có điều kiện để tiếp cận một cách đầy đủ.
- Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Đang có biểu hiện mạnh cơ quan nào thì cơ quan nấy làm
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực thì vẫn còn khiêm tốn. Điều này Chính phủ cũng đã nhìn thấy và Thủ tướng đã chỉ đạo giao các Bộ, ngành sớm báo cáo Quốc hội để sửa đổi một số điều ở các bộ luật có liên quan; tạo điều kiện về chính sách visa.
Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm có lợi thế Việt Nam nhưng chưa được quan tâm. Chúng ta đang đi theo hướng tiếp cận cái chúng ta có chưa chưa chú trọng phát triển cái người ta cần. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm là mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển du lịch cho tất cả các địa phương. Chính phủ cũng đã chỉ đạo, các Nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Chính phủ cũng yêu cầu phải liên kết, nhất là liên kết về du lịch nhưng việc chủ động liên kết vẫn đang dừng lại ở hình thức. Các sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn nên chưa đạt được kỳ vọng phát triển du lịch, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
4. Từ thực tế nêu trên, để tiếp tục thực hiện mục tiêu, giải pháp đưa du lịch Việt Nam phát triển theo hướng ... Bộ VHTTDL đã báo cáo với Chính phủ và xin đề xuất về các mục tiêu lớn để toàn ngành phấn đấu. Trong đó trong năm 2023, khách du lịch quốc tế xác định là 8 triệu lượt, khách nội địa là 102 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt đông du lịch phải đạt được là 650.000 tỉ đồng...
- Giải pháp:
(i) Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng, trong đó, tập trung:
+ Định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác để phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu; cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng. Tập trung, nghiên cứu các sản phẩm du lịch để đạt mục tiêu thu hút khách; nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của khách để đưa vào sản phẩm.
+ Cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là... phân tích, dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống để tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng. Chú ý đến thị trường ... Mỹ và một số thị trường khác mà chúng ta đã có như Đông Nam Á, Đông Á, Bắc Á... mà chúng ta đã thành công trong nhiều năm qua.
+ Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo có nét riêng.
(ii) Nhóm giải pháp thứ 2 là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 6.1.2023, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới).
(iii) Sau Hội nghị, ngoài việc kiến nghị với Chính phủ để ban hành Nghị quyết, khẩn trương triển khai thành công năm Triển khai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 – “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và chuỗi các hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong toàn quốc nhằm xây dựng và tạo điểm nhấn về sản phẩm, dịch vụ phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến hàng năm của Du lịch Việt Nam.
(iv) Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước. Giải pháp này ngành du lịch phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác
(v) Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai Đề án “Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06”.
(vi) Phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực trở lại làm việc; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
5. Kiến nghị, đề xuất
5.1. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
- Sau Hội nghị này, sản phẩm đầu ra như Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ sẽ ra Nghị quyết. Trong Nghị quyết này sẽ đề ra các giải pháp cho các Bộ, ngành tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách miễn thị thực đơn phương, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
- Khẩn trương thực hiện mô hình chuyển đổi số, gắn với kinh tế số như trong chủ trương của Chính phủ để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số; gắn với đó là phát triển du lịch trên cơ sở dự báo, định hướng, đánh giá.
5.2. Về các kiến nghị đối với các Bộ ngành, địa phương
Các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo địa phương của mình, để 63 tỉnh thành đều có 63 bộ sản phẩm về du lịch mang tính đặc sắc. Chú trọng nhiều hơn về công tác kết nối, liên kết, đảm bảo các chỉ tiêu và nhiệm vụ các địa phương đã đề cập. Như Hà Nội cam kết có 3 triệu khách quốc tế, TP.HCM có 3 triệu khách quốc tế, Hai địa phương này đã có tổng 6 triệu lượt khách quốc tế. Chính quyền địa phương đã cam kết thực hiện.
Tin vui là trong sáng nay, cũng đúng thời điểm Chính phủ Trung Quốc đã mở cửa trở lại thị trường khách quốc tế cho phép khách du lịch theo đoàn... Quảng Ninh trưa nay 150 khách Trung Quốc đến bằng cửa khẩu đường bộ. Thời gian tới tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết luận của Thủ tướng đàm phán với phía bạn để trở lại hoạt động thị trường. Đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước để nâng cao hơn nữa nhận thức vấn đề làm du lịch. Mỗi người dân của từng địa phương phải phấn đấu để đạt được mục tiêu trở thành đại sứ du lịch của địa bàn đó. Có như vậy mới góp phần toàn dân thực hiện công tác du lịch, cùng làm du lịch để du khách đến Việt Nam và mong muốn trở lại Việt Nam.
Kính thưa các đồng chí,
Trong khuôn khổ Hội nghị ngày hôm nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kính mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ý kiến góp ý của các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, sáng kiến và kiến nghị đề xuất của các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để khôi phục, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ VHTTDL, xin kính chúc Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng toàn thể các đại biểu dự họp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cám ơn!