Đảo nổi thì có thể hiểu được nhưng tại sao lại còn đảo chìm?
Ở khu vực quần đảo Trường Sa có rất nhiều những bãi đá san hô nằm dưới mực nước biển, khi thủy triều rút xuống thấp nhất thì những bãi đá này vẫn còn nằm dưới mặt nước khoảng 0,1 đến 0,5m. Để giữ đảo, giữ biển ta phải đóng quân trên những bãi san hô này. Những nhà giàn được dựng lên và bộ đội sống ở đó quanh năm suốt tháng để bảo vệ chủ quyền đất nưóc. Đây chính là những “đảo chìm” theo nghĩa nguyên thủy.
Bây giờ những nhà giàn bằng sắt đang ngày một “biến mất”, thay vào đó là những nhà giàn kiên cố mọc ngay trên những bãi san hô lúc nào cũng ngập dưới mặt nước biển. Đi trên biển, thỉnh thoảng thấy nhà nhô đấy chính là đảo chìm của ngày hôm nay.
Vừa qua, theo đoàn tàu mang hàng tết ra cho bộ đội hải quân, tôi đã có dịp được đến với 15 điểm đảo (chủ yếu là đảo chìm) của quần đảo Trường Sa.
Sau khi rời đảo Tốc Tan C, chúng tôi đến với đảo Núi Le. Đảo chìm Núi Le cách đảo Tốc Tan khoảng 6,5 hải lý về phía Đông Nam. Khi thủy triều xuống thấp nhất, rải rác có những mỏm san hô nhô lên khỏi mặt nước. Rìa Nam của đảo có nhiều đá mồ côi hơn các nơi khác, có hòn lớn tới 2 - 3m, luôn cao trên mặt nước biển. Theo tính toán của các nhà địa chất và các nhà hải dương học thì cứ sau vài chục năm các bãi đá san hô lại mọc lên được vài cm. Không biết phải mất mấy trăm năm nữa thì các đảo chìm của chúng ta mới đồng loạt trở thành đảo nổi?
Chợt một chiến sĩ đeo quân hàm binh nhất đi đến bên tôi. Cậu chiến sĩ này có nét mặt, nụ cười như con gái và cái tên cũng như con gái - Quyên, hỏi tôi bằng một thứ giọng Nam Bộ rất ngọt: “Anh mới ngoài Hà Nội vô?”. Tôi đáp: “Ừ”. Quyên lại hỏi:
- Hà Nội có còn con rùa to không anh?
Tôi ngạc nhiên:
- Sao em lại hỏi con rùa?
Quyên đáp:
- Thì ấn tượng ngoài Bắc với em là Hà Nội có con rùa to ở đền Ngọc Sơn và... cái lạnh tức thở!
Tôi bật cười, nhận thấy cách nói chuyện của Quyên thật thú vị. Quyên sinh năm 1980, nhà ở quận 4 – TP. Hồ Chí Minh. Ba Quyên là nhạc sĩ Bảo Thu, thường ra Bắc biểu diễn những năm trước đây. Quyên được ba cho đi theo hai lần, một lần khi mới lên bốn tuổi, và một lần lên tám tuổi. Quyên nhập ngũ được hai năm, đã là một anh lính cựu ở đảo chìm rồi, vậy mà ấn tượng về một Hà Nội có con rùa to vẫn không phai mờ trong ký ức. Càng chuyện trò với Quyên càng thấy Quyên hóm hỉnh. Khi chúng tôi rời đảo ra xuồng để về tàu, Quyên nắm chặt tay tôi bảo: “Em chuẩn bị ba lô đâu đấy cả rồi, tưởng lần này được về bờ nhưng vì chưa có người thay thế nên em ở lại, chắc phải thêm sáu tháng nữa. Anh về Hà Nội, vào lăng viếng Bác Hồ, thưa với Bác cứ yên tâm, đã có tụi em ngày đêm canh gác ngoài biển Đông này nghen!”.
Tôi đã tự nhủ lòng rằng không được khóc nhưng cứ mỗi khi chia tay rời một điểm đảo nào đó là lại thấy mắt mình cay xè. Cũng giống như ở đảo chìm Cô Lin vậy. Khi chúng tôi cập xuồng vào thì chuẩn úy Hồ Văn Dưỡng, khẩu đội trưởng 12 ly 7 đang đứng gác. Mãi đến khi có người thay gác, anh mới chạy ra một góc đảo bóc thư đọc. Tôi thấy anh ngồi bên bờ biển rất lâu. Đến khi tôi chạm vào người, anh mới giật mình quay lại.
- Thư của ai thế? - Tôi hỏi
- Dạ, thư của vợ em.
- Có tin gì đặc biệt không?
- Vợ em sinh con trai. Tuyệt quá! Em đang cố hình dung ra nét mặt thằng bé thế nào?
- Cô ấy không gửi ảnh ra à?
- Cháu còn bé quá, chưa đi chụp được. Ở quê không có nhiều hiệu ảnh như ở phố.
- Thế đặt tên cháu là gì?
- Ông nội đặt tên là Binh. Bố là Hồ Văn Dưỡng, con là Hồ Văn Binh. Để sau này nó nối nghiệp nhà binh của bố!
Tôi ngồi xuống cạnh Dưỡng. Dưỡng bảo: “Da thịt trẻ con thơm lắm anh nhỉ?”. Tôi ngậm cười: “Đương nhiên”. Dưỡng bảo: “Ôi, ước gì bây giờ em được ôm con để cắn vào má nó một cái thì sướng quá”. Nghe Dưỡng nói thế tôi không cười được nữa. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ thôi là chúng tôi sẽ lại phải chia tay Dưỡng và những đồng đội của anh. “Năm sau em về thì nó lẫm chẫm biết đi rồi anh nhỉ?”. Ừ, nó biết gọi “bố, bố” nữa chứ! Và nó sẽ rất khoẻ mạnh để sau này còn nối nghiệp bố. Tôi cầu mong thế khi đã ngồi trên lòng xuồng để quay ra với con tàu to đang đỗ ở ngoài khơi xa.
Sau khi đặt chân lên một loạt đảo chìm như Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao, chúng tôi tới các đảo nổi Phan Vinh, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông.
Quả thật ở đảo nổi có cảm giác gần với đất liền hơn đảo chìm vì có không gian rộng, có cây xanh, có những mái nhà nhấp nhô, có đất dưới chân mình và có những tiếng chim hót đâu đây vẳng trên tầng không xanh thẳm. Ở đảo nổi Phan Vinh tôi được xếp ở cùng với kíp quân y do thiếu úy Nguyễn Quang Hiếu làm trưởng kíp. Ra ngoài biển tôi cứ băn khoăn một điều là nếu có ốm đau gì xảy ra trên những hòn đảo kia thì làm sao có thể cấp cứu kịp? Vì thế gặp Hiếu tôi hỏi ngay:
- Anh đã mấy lần phải động dao kéo rồi?
Hiếu bảo:
- Nhìn chung chúng tôi chỉ đảm đương những ca đơn giản. Còn những ca phức tạp sẽ có tàu đưa vào đất liền hoặc đưa sang đảo lớn để cứu chữa.
Những ca đơn giản mà Hiếu nói gồm cả mổ ruột thừa, mổ dạ dày, cắt lá lách bị vỡ, khâu gan... Tôi nghe mà cứ gai cả người. Chàng bác sĩ đang ngồi trước mặt tôi còn trẻ lắm, thế mà hai bàn tay kia đã từng cắt, rạch, khâu vá lục phủ ngũ tạng của người ta thì cũng “đáng nể” thật. Hiếu đưa tay chỉ ra ngoài biển bảo:
- Anh có nhìn thấy chấm đen kia không?
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Hiếu, mãi mới nhận ra một vệt đen mờ nhỏ xa xa ngoài biển khơi. Hiếu bảo: “Đó là đảo Phan Vinh B đấy. Ở đó cũng có bộ đội đóng. Nước biển lên thì trông xa thế thôi, chứ khi nước rút, chúng tôi có thể bơi sang. Tháng trước chúng tôi vừa bơi sang đó cấp cứu một ca ruột thừa”
Tôi vội chui ra khỏi lán quân y, cố nhìn cho kỹ cái điểm đảo nhỏ nhoi như một đám lục bình đang dập dềnh trôi ngoài biển xa. Hiếu cùng với kíp quân y đã lội nước ngang ngực hơn một tiếng đồng hồ để sang bên đó “động dao kéo”, cứu đồng đội. Nghĩ mà thấy thương. Trên đất liền nhỡ may ốm đau, gọi được người cấp cứu còn toát cả mồ hôi hột. Ở nơi sóng gió thế này, nhìn đâu cũng thấy mênh mông là nước, chẳng may ốm đau tủi thân biết bao nhiêu! “Nhưng bù lại có tình đồng đội anh ạ - Hiếu chia sẻ suy nghĩ của tôi - Càng ở nơi khó khăn gian khổ cán bộ chiến sĩ chúng tôi lại càng thương yêu nhau như anh em. Về với đời thường có thể ai đó sẽ sống ích kỷ hơn, nhưng ở đây, chúng tôi sẵn sàng hiến tặng nhau những giọt máu của mình”. Phải rồi, tôi đem tâm thế của người ở đất liền ra với đảo xa nên chưa thể thấy hết được tình cảm gắn bó của những người lính ở đây. Khi họ đã trở thành một khối đoàn kết thì việc khắc phục mọi khó khăn sẽ trở nên đơn giản hơn, và khi đó tình người là thứ cao quý hơn hết thảy.
Tôi muốn dành những dòng cuối cùng của bài viết này cho một hiện tượng khá đặc biệt ở đảo chìm Len Đao. Đảo Len Đao cách đảo Sinh Tồn khoảng 7,5 hải lý về phía Nam Đông Nam. Kề bên đảo có một dải cát vàng rất lạ, luôn di chuyển quanh đảo theo chiều kim đồng hồ. Từ tháng tư đến tháng mười một khi gió mùa Tây Nam thổi thì dải cát nằm theo hướng Đông Bắc, còn vào mùa gió Đông Bắc thổi từ tháng mười một đến tháng tư dải cát ấy lại xoay về hướng Tây Nam. Lính đảo thường đá bóng trên dải cát ấy và “sân bóng” của họ luôn luôn di động. Họ cứ tính khi nào dải cát quay đủ một vòng, trở về điểm cũ, tức chỉ hướng Tây Nam thì một năm đã trôi qua, một năm mới lại đến. Điều lạ hơn nữa là dải cát có hình chữ S, một dáng hình thân thương gợi nhớ đất liền, một “đất liền thu nhỏ” nằm kề ngay bên đảo, giữa biển khơi bao la. Tôi đã trèo lên vọng gác cao nhất của đảo nhìn xuống, và quả thật dải cát với dáng hình đặc biệt ấy không thể không làm ta nghĩ đến hai chữ Tổ quốc. Dù nước triều lên hay xuống, dù gió mạnh hay yếu, dù bão giông hay yên ả thì dải cát vàng vẫn nằm đó, cong cong hình chữ S, hiên ngang trước mọi con sóng, giữa biển cả mênh mông vô cùng vô tận.
Và nỗi mong chờ Tết đối với lính đảo chính là nhìn theo hình dải cát mà đón ngày tàu ra...
Bút ký của Nguyễn Đình Tú