Hơn ba phần tư thế kỷ đã qua kể từ ngày sách ra đời. Đất nước Việt Nam ta trải qua bao biến thiên cực kỳ sâu sắc. Người nông dân Bắc Bộ đã đổi đời. Châu thổ sông Hồng đạt được nhiều thành tựu mà bản thân tác giả với tất cả sự nhạy bén khoa học và trải nghiệm thông thái của mình vẫn không thể dự báo, và khi có dịp trở lại bên sông Hồng, ông đã thật lòng thốt lên những lời cảm phục.
Tác giả Pierre Gourou bắt đầu tìm hiểu châu thổ sông Hồng từ năm 1927. Ông đã tập trung toàn bộ sức lực trong sáu năm lao động miệt mài, từ 1930 đến 1935, mới làm xong. Công trình dày 670 trang (bản tiếng Pháp) kèm nhiều tranh, ảnh minh họa, sơ đồ, biểu đồ, thống kê… Bài viết này giới hạn trong việc giới thiệu sơ lược một vài nét tiêu biểu văn minh sông Hồng, như làng mạc, nhà cửa, chợ thôn quê, phong tục… vùng châu thổ, theo cách nhìn của Pierre Gourou, vào những năm 1930 trở về trước.
Làng quê châu thổ sông Hồng
Căn cứ vào khảo sát thực địa, Pierre Gourou phân các điểm cư dân (làng) ở châu thổ Bắc kỳ được phân loại: trước hết, làng mạc xây dựng trên các nơi đất cao (so với mặt ruộng) nhằm tránh lụt lội, gồm ba mô hình phổ biến: làng hình thành ven các con sông lớn nhỏ, làng lập theo chân các đồi, và làng trên các giồng cát ven biển. Bên cạnh ba mô hình chính ấy, còn có mấy loại nữa rải rác hơn, thời điểm ra đời muộn hơn, là làng trên vùng đất có con sông đào chảy qua; làng định cư trên các bãi mới bồi men sông hoặc giữa sông; và cuối cùng và muộn hơn là làng khai hoang lấn biển.
Làng ở châu thổ Bắc kỳ thời này rộng bình quân 210 ha. Trong tổng số 7000 làng ở đồng bằng, chỉ có 450 làng có lớn hơn 500 ha. Cư dân bình quân 910 người một làng, chỉ 58 làng có dân số trên 5000 người. Những con số ấy cho ta hình dung vóc dáng cái “làng Việt Nam” ở châu thổ sông Hồng những năm 30 của thế kỷ trước.
Pierre Gourou là tác giả đầu tiên phân tích cấu trúc và tác dụng của các bộ phận cấu thành làng (mà ông gọi là “các thành phần” của làng Việt Nam). Đó là lũy tre (thành lũy bảo vệ và ranh giới thiêng liêng của cộng đồng), là cái cổng làng (được mô tả như một kiến trúc đẹp nổi lên vững chãi giữa lũy tre nhẹ nhàng), là lối chính vào làng qua cổng làng cùng các đường đi bên trong (các đường đi trong làng không phải hình thành một cách tùy tiện mà làm theo sơ đồ có từ khi lập làng), là cái ao làng cùng cái giếng xóm (những công trình không thể thiếu cho sinh hoạt cộng đồng), và cuối cùng các kiến trúc công cộng thuộc đời sống tâm linh như đình, đền thờ thành hoàng, chùa thờ Phật, các văn chỉ, võ miếu, rồi các nhà thờ họ, nhà thờ chi, miếu thờ cô hồn. Ngoài ra có thể tính thêm các điếm canh bảo vệ an ninh làng xóm và phòng chống lũ lụt.
Phép vua thua lệ làng
Tác giả có nhiều kiến giải đặc sắc về phong tục, tập quán cư dân châu thổ sông Hồng. Nói về cái luỹ tre, ông lý giải: “Cùng với việc bảo vệ chống những tai họa đến từ bên ngoài, lũy tre còn là một ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã, dấu hiệu của cá tính và tính tự trị của làng”.
Về cuộc sống và tính cộng đồng của làng xóm, ông viết: “Dưới biểu hiện bên ngoài tẻ nhạt và nghèo nàn, cuộc sống trong làng quê rất sôi động và phong phú, đem lại cho người dân nhiều lợi ích cùng lắm đam mê”... Một nét nổi bật của đời sống xã hội trong làng là “sự kiểm soát tuyệt đối của công luận đối với nhân cách mỗi người. Làng là một cộng đồng mà sự trong sạch về mặt đạo lý đòi hỏi mọi người phải làm trọn nghĩa vụ người dân đối với làng, trước hết tuân theo về phong tục, tập quán và các lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng… Ông nêu thí dụ: “Chỉ cần một người dân thất hiếu với ông bà cha mẹ thì làng đã có thể can thiệp và phạt vạ người đó”. Phong tục ấy bắt nguồn từ quan điểm, sự bình yên của đời sống làng xã tùy thuộc vào ý thức tôn trọng đạo lý của mọi dân làng, làng nào cũng có thể diện của mình, không ai được phép làm cho tên tuổi làng mình hoen ố trước bàn dân thiên hạ.
Về các hội hè và trò vui giải trí ở thôn quê, Pierre Gourou lý giải: “Lễ hội là dịp để người dân quê được “tái hiện” cuộc sống; các trò chơi đa dạng như đấu vật, kéo co, đua thuyền, hát ghẹo, thi nấu cơm... làm người dân thích thú lắm”. Các lễ tết trong nội bộ gia đình biểu hiện qua các dịp có đám ma, đám cưới, ngày kỵ giỗ tổ tiên...
Làng Việt Nam xưa là một cộng đồng tự trị. Làng tự giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh giữa các thành viên trong làng; làng có quyền đứng ra thu thuế nộp Nhà nước theo định mức. Một khi làng đã hoàn thành các nghĩa vụ mang tính pháp lý còn lại làng có thể tự quản lý mọi sinh hoạt của người dân trong làng, từ đó sinh ra “phép vua thua lệ làng”. |
Ngôi nhà ở châu thổ
Người nông dân châu thổ Bắc kỳ là một công trình hiếm hoi mô tả, giới thiệu chi tiết nhà cửa của cư dân thời trước. Tác giả dành hơn 150 trang sách riêng cho chương này. Từ việc mô tả “các loại hình xã hội về nhà cửa”, ông phân tích “các thành phần cấu tạo nên ngôi nhà”, tác giả đi đến những kết luận về lịch sử phát triển của ngôi nhà người Việt Nam vùng châu thổ sông Hồng. So sánh nhà của người Việt ở đồng bằng châu thổ với nhà cũng của người Việt ở miền núi, ông có những phát hiện và kiến giải rất lý thú. Tác giả dành nhiều công sức tái hiện các kiểu nhà bằng tranh đồ họa và ảnh chụp tại chỗ. Các bức vẽ kỹ thuật, từ sườn nhà, kèo rường tường vách, các khuôn cửa, cánh cửa đến gian bếp thường có hai mái lợp bằng rạ cho khói bếp dễ thoát ra ngoài, không lan tỏa vào nhà... Đặc biệt các hình vẽ chuẩn xác về ngôi đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh): nhìn mặt trước, hình cắt dọc, cắt ngang, hình thấu thị... cho đến ngày nay vẫn xứng đáng được đăng tải trên bất kỳ tạp chí chuyên ngành kiến trúc nào.
Cái chợ quê ta
Về đời sống kinh tế xã hội ở châu thổ sông Hồng, tác giả bàn khá kỹ về chợ nông thôn theo vai trò, quy mô và cơ chế hoạt động của nó. Ông khảo sát Chợ Om (thuộc làng Tương Chức, tỉnh Hà Đông cũ) và ghi chép thật rành rọt, kỹ lưỡng. Từ đó ông tổng hợp, một phiên chợ Om có chừng 150 người cả khách mua lẫn người bán; toàn bộ hàng hóa mang đến bày bán tại phiên chợ trị giá không quá 400 đồng (bạc Đông Dương những năm 1930); số tiền mua bán qua phiên chợ dĩ nhiên thấp hơn con số ấy.
Tại phiên chợ, ngoài việc trao đổi mua bán lương thực, thực phẩm, đồ dùng hằng ngày là chính, còn có những nhu cầu khác: chợ có bốn anh thợ cắt tóc, một người bán đồ gốm, ba ông lang bán thuốc chữa bệnh (hai thầy Việt, một thầy Tàu), hai người bán hàng mã, một bác thợ rèn, một ông thầy bói. Điểm nhấn tại phiên chợ là tám bà hàng xén “bày những mặt hàng lặt vặt như chỉ khâu, khuy áo, xà phòng, những hộp kem bôi mặt bé tí nhập từ Pháp về dành cho các cô nàng thích làm dáng...”. Tuy nhiên, những nhân vật quan trọng nhất tại chợ (về giá trị hàng hóa) là “ba bà hàng vải, ăn vận sạch sẽ và cầu kỳ, bà nào cũng có người giúp việc đi theo gánh vải”. Đến trưa, khi tan phiên chợ, những người bán vải đóng gói hàng hóa không bán hết cùng những thứ họ vừa mua hoặc trao đổi hiện vật với nông dân tại chỗ, trở về nhà hoặc chuyển sang một chợ khác theo những nẻo đường đất nhỏ lầy trơn, mà “chỉ với thói quen và sự nhẫn nại của người nông dân Bắc kỳ, người ta mới có thể bước đi thoải mái, với một gánh nặng trên vai như vậy”...
Tình yêu cảnh vật
Pierre Gourou không chỉ say mê nghiên cứu châu thổ Bắc kỳ, ông yêu mến vùng đất này. Không có tấm lòng quý yêu và trân trọng, không thể viết nên những trang chân thực mà trữ tình đại thể như sau: “... Nét nên thơ và vẻ đẹp của châu thổ lộ ra trước mắt những ai chịu khó đi tìm, lần theo các con đê và những nẻo đường nhỏ vào những mùa khác nhau trong năm, đi sâu vào các xóm (...) Một công trình kiến trúc với mái nhà uốn cong, những cây đa rễ chùm tỏa bóng, soi xuống mặt nước một cái ao tròn tạo nên sự hài hòa tinh tế và thanh bình, khiến cho bầu không gian đục đục do những đám khói từ các ngôi nhà trong làng bốc lên càng thêm sâu thẳm... Một dược mạ với rặng cây ăn quả, vượt lên cao hơn hết là những ngọn cau; màu xanh tươi mát của những cây mới trồng nổi lên trên nền cây xanh thẫm được tô điểm bằng những tia nắng xuyên qua dáng vẻ thanh tao của những tàu lá cau (...) Cảnh quan hùng tráng của sông nước; mặt nước mênh mông bằng phẳng và gợn sóng trôi chầm chậm về phía chân trời, tùy lúc mà được điểm tô màu đỏ xậm, hồng nhạt hoặc xám lam; một khóm tre già, các đám cỏ xanh trên thân đê, bộ lông vàng của một con bò làm nổi thêm sắc thái đỏ quạch của nước phù sa; nhiều tương quan cực kỳ tinh tế được tạo ra giữa màu hồng của sông nước và những mái rạ màu xám cũ kỹ của một làng bên sông”.
Hãy bảo vệ nền văn minh sông Hồng
Tác giả dành những trang kết thúc công trình biên khảo sát nói về “nền văn minh nông dân châu thổ Bắc kỳ”. Ông thấy ở đó một nền văn minh đã ổn định từ lâu trong sự hài hòa về vật chất và thẩm mỹ giữa con người với thiên nhiên. Ông lo lắng trước những tai họa mà nền văn minh châu Âu đang mang đến tàn phá vùng châu thổ Bắc kỳ. Pierre Gourou kết luận: “Chỉ có nền văn hóa cổ truyền này, thích nghi từ từ với những đòi hỏi mới, mới có thể mang lại cho một dân tộc đáng mến và nghèo khổ đến cùng cực ấy phần hạnh phúc họ đáng được hưởng; ngoài những cái đó ra (tức là nếu cứ áp đặt thô bạo nền văn minh châu Âu - PQ), thì chỉ có thể đưa đến hỗn loạn và tuyệt vọng mà thôi”.
Thông tin thêm
Giáo sư, Thạc sĩ sử học và địa lý học, Tiến sĩ quốc gia văn chương Pierre Gourou sinh năm 1900 tại Tunis (Tunisie), mất năm 1999 tại Bruxelles (Bỉ), giáo sư nhiều trường đại học lớn ở Pháp và Bỉ. Ông khởi nghiệp khoa học ở Việt Nam với công trình Bắc kỳ (1931), sớm nổi tiếng nhờ hai tác phẩm lớn Người nông dân châu thổ Bắc kỳ (1936) và Sử dụng ruộng đất ở Đông Dương (1940). Về Việt Nam, còn có thêm nghiên cứu Nhà ở Việt Nam - miền Tây và miền Trung Trung kỳ (1936)... Rồi từ các công trình về Đất và người ở Viễn Đông (1940), Châu Á (1953), ông lần lượt cho ra tiếp nhiều biên khảo về các nước châu Phi riêng biệt: Ruanda-Urundi (1953), Congo (1955) rồi Châu Phi nói chung (1970), về Châu Mỹ nhiệt đới (1971), mở rông ra cả Thế giới nhiệt đới (1982)... Tác phẩm lớn cuối cùng dày 300 trang: Lúa và văn minh (1984) xuất bản năm ông 84 tuổi.
Pierre Gourou là một nhà bác học bách khoa trong lĩnh vực địa lý nông nghiệp và nông thôn nhiệt đới. Từ trẻ đã là Viện sĩ thông tấn Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, ông là một trong những nhà khoa học mà mọi công trình nghiên cứu đều hướng vào mục tiêu hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khó khăn trên con đường phát triển.
Tác phẩm của P. Gourou lưu hành không rộng lắm ở nước ta. Theo tôi được biết, cuốn Người nông dân... in lần đầu hầu như chỉ có ở Thư viện Quốc gia (Hà Nội). Cuối những năm 1960, tôi nhận được từ Pháp một cuốn vừa tái bản. Bản in này có lời bạt của tác giả, trích in tại bìa 4, đại ý: “Nhờ các chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, châu thổ Bắc kỳ hiện nay đã có nhiều đổi thay cơ bản. Đụng đầu với các làng xã mang trong chúng những đặc điểm cổ truyền và với đức tính kiên nghị của con người Việt Nam, cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ chắc chắn sẽ nếm mùi thất bại”.
Năm 1960, khi nhà dân tộc học lớn Claude Lévi-Strauss có ý định cho ra đời một tờ tạp chí khoa học về dân tộc học, ông mời thêm hai nhà khoa học ngành khác gần gũi với dân tộc học là nhà ngôn ngữ học Emile Bienveniste và nhà địa lý học Pierre Gourou, và đặt cái tên rộng hơn cho tạp chí là Người, tạp chí nhân chủng học.
Ngay sau khi Pierre Gourou qua đời, tạp chí Người có bài viết của Michel Bruno gọi Pierre Gourou là “nhà địa lý học cổ điển vĩ đại cuối cùng”. Ông nhấn mạnh: Pierre Gourou có tầm nhìn mỹ học rất cao và tinh tế về vẻ đẹp châu thổ sông Hồng, ông ngợi ca “sự hài hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên ở đấy”.
|
Phan Quang