Trưng bày giới thiệu những tư liệu, hình ảnh từ thời kỳ đầu thành lập Quốc Tử Giám đến nay. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Chritian Manhart đã tham dự buổi khai mạc.
Không gian trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” được lên ý tưởng và bắt đầu thực hiện các công đoạn từ 3 năm trước. Hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh màu lần đầu tiên được công bố trưng bày tại di tích và hiện vật khảo cổ rất quý giá minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám. Khu vực trưng bày trong nhà giới thiệu về trường học Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử; khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đỉnh cao là thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng; biến đổi dưới thời Nguyễn và sự hồi sinh của di tích thời đương đại. Gắn với mỗi giai đoạn phát triển, Quốc Tử Giám lại ghi dấu ấn bởi các danh nhân văn hóa hay sự kiện tiêu biểu tại ngôi trường này. Khu vực trưng bày ngoài trời là không gian giúp người xem nhớ về cuộc đời của một nho sinh với mái trường tại làng quê, cảnh thi cử nơi kinh thành và rồi lại trở về quê hương vinh quy bái tổ. “Trưng bày quy tụ những nỗ lực sưu tầm các tài liệu quý hiếm. Không gian trưng bày là sự lan tỏa của tư tưởng đạo học, Nho giáo thông qua lời răn dạy tại các tư liệu tìm được” – chuyên gia thiết kế của trưng bày Patrick Hoarau cho biết.
Phát biểu Khai mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh, trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng nhân tài đã hình thành nên đạo học Việt Nam. Đạo học ấy đã góp phần cho sự xuất hiện của nhiều bậc hiền tài, các danh nhân văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Vào thế kỷ XI, sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô đến Đại La năm 1076, triều đình nhà Lý đã cho lập Quốc Tử Giám để làm trường học cấp quốc gia, đồng thời tuyển chọn những bậc trí thức, thông tuệ kinh điển làm thầy dạy trong trường. Cho đến nay, dù ở giai đoạn nào, giáo dục đều luôn được cả nhà nước và người dân chăm lo, chú trọng.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh: “Trải qua hơn 700 năm phát triển, suy thịnh tùy thời, Quốc Tử Giám Thăng Long vẫn luôn song hành với sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt, cùng gánh vác sứ mệnh vun bồi nguyên khí, cử người hiền dùng người tài mà lịch sử đã giao phó. Từ ngôi trường này, lớp lớp học trò được nuôi dưỡng bằng tri thức và đạo đức, với những cống hiến bền bỉ, trở nên “Thành Đức - Đạt Tài”, những bậc quân tử khí tiết, đức độ và để lại tiếng thơm cho đời sau. Cho đến nay, Quốc Tử Giám vẫn là biểu tượng cho những giá trị của đạo học Việt Nam”.
Tuấn Hải