Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hoá, điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch kết nối xuyên suốt giữa các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Hải miền Trung... Thông qua Hội nghị, tạo cơ hội giúp doanh nghiệp du lịch các địa phương giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác; ký kết hợp đồng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn mang tính đặc trưng liên vùng; thu hút, chào bán đến du khách trong năm 2023.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi cho biết, với vị trí giao thông thuận lợi, Nghệ An và Thanh Hóa có nhiều sản phẩm văn hóa, tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi để phát triển du lịch. Hệ thống Di sản văn hóa thế giới cũng đã tạo nên những nét hấp dẫn khách du lịch khi đến 2 tỉnh so với các khu vực khác. Nghệ An càng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đặc biệt, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghệ An - Thanh Hóa là vùng có vị trí địa lý đặc biệt, là cầu nối giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, Lào, Thái Lan; nằm trên tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, cảng hàng không quốc tế Vinh và sân bay Thọ Xuân…
Với ưu đãi về phong cảnh thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch của Nghệ An - Thanh Hóa rất đa dạng với du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa - tâm linh, di sản, nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch MICE, golf, sinh thái mạo hiểm, cộng đồng, canh nông… Trong đó, nổi bật như chương trình “3 địa phương một điểm đến, nhiều trải nghiệm”, “con đường di sản miền Trung”… Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi nhấn mạnh; “Để du lịch hai địa phương phát triển và lan tỏa rộng rãi hơn, cần sự chung tay góp sức của các địa phương và các doanh nghiệp du lịch. Hy vọng sau hội nghị, các doanh nghiệp TP. Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với các địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khi về với Nghệ An”.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Xuân Bình cho biết, để phát triển tour kết nối Nghệ An và Thanh Hóa từ Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn vào năng lực của 2 địa phương. Nghệ An - Thanh Hóa cần đầu tư hơn nữa vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển thêm các điểm tham quan mới, khu mua sắm; xây dựng các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đẳng cấp… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn nên có chính sách kích cầu mùa du lịch thấp điểm, hạ giá để thu hút thêm khách du lịch, đặc biệt là du lịch MICE, Golf...
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự nỗ lực của Nghệ An - Thanh Hóa trong việc chủ động tổ chức sự kiện xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến, giới thiệu sản phẩm mới, liên kết doanh nghiệp… nhằm thu hút khách đến với hai địa phương, góp phần phục hồi du lịch. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Với sự nỗ lực của các địa phương, sự chủ động chung tay góp sức của các doanh nghiệp, Du lịch Việt Nam trong 11 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả đáng mừng. Trong 11 tháng năm 2022, Du lịch Việt Nam đã phục vụ hơn 96 triệu lượt khách nội địa, hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu ước đạt 460.000 tỷ đồng”.
Trong bài phát biểu, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, Du lịch Việt Nam chuẩn bị đạt mốc 100 triệu lượt khách nội địa. Con số này rất có ý nghĩa sau 2 năm ngành Du lịch chống chịu những tác động của dịch COVID-19, vượt xa chỉ tiêu của cả năm 2022, vượt xa mốc năm 2019. Khách quốc tế dù chưa đạt chỉ tiêu mong muốn, nhưng đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng từ các thị trường mục tiêu trọng điểm. Trong tháng 11/2022, lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam đã đón được hơn 600.000 lượt khách quốc tế trong một tháng, tăng hơn so với tháng 10/2022 gần 30%. Lượng thông tin tìm kiếm về Du lịch Việt Nam đang tăng lên; bên cạnh thị trường truyền thống đã xuất hiện nhiều thông tin tìm kiếm từ thị trường mới từ Ấn Độ, các nước Trung Đông và một số thị trường tiềm năng khác. Năm 2022, Du lịch Việt Nam vẫn giữ được vị thế là điểm đến uy tín với nhiều giải thưởng du lịch thế giới danh giá. “Tất cả những yếu tố đó tạo cho chúng ta niềm tin sẽ đạt kết quả tích cực hơn trong năm 2023, để Du lịch Việt Nam có bước tiến quan trọng trong những năm tới, lấy lại đà tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi kỳ vọng kết thúc năm 2022 sẽ đón được lượng khách quốc tế khả quan, làm tiền đề cho năm 2023 có những cơ hội tốt để khôi phục du lịch quốc tế” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Theo Tổng cục trưởng, để khôi phục và phát triển du lịch trở thành thành kinh tế mũi nhọn, chúng ta còn nhiều việc phải làm, trong đó có phối hợp, liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp là hoạt động cần thiết, cần phải đẩy nhanh, tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. “Để phát huy hiệu quả Hội nghị, lãnh đạo ngành Du lịch Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng và các địa phương tham dự cần tranh thủ cơ hội tham dự Hội chợ VITM Đà Nẵng 2022 để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu du khách, từ đó hoàn thiện, phát triển các sản phẩm phù hợp. Ngay sau Hội nghị, cần phối hợp tổ chức các đoàn xúc tiến quảng bá, khảo sát cho các doanh nghiệp, thông qua đó, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp để xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới. Bên cạnh việc hoàn thiện dịch vụ, sản phẩm, cần tập trung xúc tiến quảng bá, tận dụng tối đa thành tựu cách mạng công nghệ 4.0, các nền tảng mạng xã hội; trao đổi, bàn thảo, ký kết hợp tác để có cơ chế trao đổi nguồn khách” – Tổng cục trưởng đề nghị.
Thanh Minh