Cách thủ đô Hà Nội náo nhiệt chừng một giờ lái xe, thị trấn Tam Đảo đã hiện ra trước mắt thật lung linh, xinh đẹp. Mở cửa xe là đắm chìm vào một bầu không khí vô cùng mát mẻ, dễ chịu. Nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng 20°C, tương đương với tiết trời độ cuối xuân hay đầu thu ở Paris. Cảm nhận của chúng tôi như đang ở giữa bầu không khí của những con phố ở đồi Montmartre, kế bên là Vương cung thánh đường Sacré-Cœur, Paris.
Giữa trung tâm thị trấn Tam Đảo, dù chỉ đứng cách nhau chừng vài mét là đã không còn nhìn rõ người đối diện. Điều này lại khiến cho chúng tôi nhớ về khoảng thời gian sống ở Anh quốc nơi được mệnh danh là “xứ sở sương mù”. Từng đám sương mù trắng muốt như đang vẽ nên một bức tranh huyền ảo mà trong đó thấp thoáng hiện ra cảnh đẹp của một ngôi làng châu Âu đích thực, và trái tim của nó chính là nhà thờ đá Tam Đảo với lối kiến trúc Gothic nổi tiếng được xây dựng từ năm 1937. Ai cũng thích thú khi được tận tay sờ vào những phiến đá xanh rêu “cổ tích”, được chụp những bức ảnh đẹp kỷ niệm lãng mạn ở thung lũng diễm tuyệt này với ngôi thánh đường cổ kính tuy mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây nhưng lại đằm thắm hồn Việt. Khám phá nhà thờ đá Tam Đảo, bên tai chúng tôi như vang lên những tiếng chuông của nhà thờ Notre-Dame de Paris, Saint-Corentin de Quimper... vào mỗi sáng chủ nhật.
Ngồi nghỉ chân ở một quán cafe xinh xắn và tự thưởng cho mình ly cà phê capuchino nóng rồi nhìn ngắm mọi người qua lại, cảm xúc lại bất chợt ùa về. Dường như không có sự khác biệt đáng kể giữa nơi đây với quảng trường Trocadero (Paris), Old Market Square (Nottingham), Marienplatz (Munich)... Thật thú vị, mới chỉ đi một quãng đường ngắn như vậy mà từ Việt Nam chúng tôi đã được quay lại châu Âu, được thỏa nỗi nhớ về những vùng đất mà chúng tôi đã từng sống và gắn bó. Tôi tin đây là cảm giác chung của rất nhiều du khách khi đến nơi này. Giờ thì chúng tôi đã hiểu tại sao nhà chế tác Yves Coueslant, nhà sáng lập thương hiệu Diptique, đã tạo ra một dòng nước hoa nổi tiếng thế giới mang tên “Tam Dao”(nước hoa Tam Đảo là mùi của thiên nhiên, của cây cỏ, là những hành trình về với nguồn cội, lấy hương cây bách làm chủ đạo) để ghi nhớ về khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ 20, khi đó ông và gia đình thường có những kỳ nghỉ ở Tam Đảo.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến với chuyến du hành vượt thời gian để trở về với quá khứ của hàng triệu năm về trước khi dạo bước giữa cánh rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Tam Đảo. Cảnh rừng rậm nguyên sơ hoà quyện với lớp sương mù cùng những tia nắng được xuyên xuống mặt đất hòa cùng tiếng nước suối chảy róc rách xa xa như tiếng nhạc rừng. Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật hùng vĩ và huyền bí. Chúng tôi như đang lạc vào một thế giới cổ tích hay một cuộc thi hoa hậu mà các loài cây, loài hoa chính là những thí sinh đang ra sức để khoe hết những vẻ đẹp của mình. Chúng được cổ vũ nhiệt tình bởi những nhạc công tài ba là những chú chim ở đâu đó với tiếng hót thánh thót, véo von vang từ rừng sâu...
Cỗ máy thời gian lại đưa chúng tôi về thời kỳ lịch sử từ hàng nghìn năm về trước khi đặt chân đến quần thể di tích và danh thắng Tây Thiên, một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu là đền Tây Thiên nơi thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, vợ của Hùng Chiêu Vương, bà là người đã có công giúp vua trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Khoảng cách hàng nghìn năm như thật gần, tôi tưởng tượng trước mắt tại chính nơi này Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu đang chiêu mộ binh lính để giúp vua Hùng thứ sáu đánh tan giặc Ân; hướng dẫn người dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, trồng lúa nước… để có cuộc sống ấm no, đất nước thanh bình. Tại đây bà đã kết duyên cùng hoàng tử Lang Liêu, vị hoàng tử nghèo khó nhưng đầy nghị lực và trí tuệ, gắn liền với câu chuyện về sự tích bánh chưng bánh dày, hai món ăn đã trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam. Câu chuyện là tấm gương cao đẹp về lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu quê hương đất nước, tính cần cù chăm chỉ, đoàn kết, sáng tạo, anh dũng, thắm đượm nét đẹp truyền thống cao quý nhất của con người Việt Nam. Bà được các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong suy tôn bà là “Tây Thiên Quốc Mẫu, Thượng đẳng phúc thần” hiệu là “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu”; được xếp thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh, được vinh phong là: “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương”. Đền thờ bà tọa lạc trên núi Thạch Bàn cùng với chùa Tây Thiên, hay còn gọi là đền Thượng Tây Thiên. Cũng tại nơi đây chúng tôi được tham quan trải nghiệm hệ thống thờ Quốc Mẫu gắn với câu chuyện lịch sử về sự sinh ra và hóa thân của Bà đó là đền Mẫu Sinh, đền Mẫu hóa, đền Ngò, đền Thỏng, suối Trường Sinh, miếu Cậu, suối Giải Oan, miếu Cô, chùa Tây Thiên, chùa Cổ…
Thật khó để diễn tả hết vẻ đẹp của Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, được hòa mình với sự tĩnh lặng, thanh tu, tịnh tâm lý tưởng. Đây thật sự là địa chỉ lý tưởng để các Phật tử, khách du lịch muốn tìm chốn thanh tịnh, chiêm nghiệm lại những vang âm của cuộc sống thường ngày. Thảng trong sự tĩnh lặng đến vô chừng là tiếng chuông vọng về, gợi ra những yên bình và thanh thản cho tâm hồn của bất kỳ ai.
Sau một ngày khám phá tại khu Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Tây Thiên đoàn quay trở lại với thị trấn Tam Đảo xinh đẹp, đi dạo thăm quan những con phố nhỏ. Khi màn đêm buông xuống thì dạo quanh chợ đêm là sự lựa chọn tuyệt vời. Ngắm nhìn vẻ huyền bí của Tam Đảo và thưởng thức những món ăn đặc sắc như trứng nướng, ngọn su su xào, gà đồi nướng, cơm lam, nấm đông trùng hạ thảo, dứa Tam Dương, măng rừng, chuối ngự, thịt bò tái kiến đốt, cá thính, đồ nướng tự chọn… quả là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong hành trình đến Tam Đảo,
Thấm thoát đã sang ngày thứ 3. Cả đoàn tranh thủ từng giây phút để tận hưởng vẻ đẹp và không khí tuyệt vời mà chỉ ở Tam Đảo mới có. Ở đây, chúng tôi có cơ hội được gặp và trò chuyện bà con địa phương là người Sán Dìu, Cao Lan…, ai cũng thân thiện và dễ mến. Dừng chân ở bất cứ điểm nào, những nụ cười rạng rỡ, nồng hậu của bà con khiến những người khách phương xa cảm thấy ấm lòng. Họ chính là hướng dẫn viên du lịch, là những đại sứ văn hoá để chinh phục trái tim của mỗi du khách khi đến nơi này.
Chia tay Tam Đảo với thật nhiều bịn rịn, dù chỉ mới ra khỏi đó mà tôi đã thấy nhớ đến da diết thị trấn xinh đẹp đầy quyến rũ này. Tôi chợt hiểu vì sao mảnh đất này được nhiều nhà thơ và văn nghệ sỹ dạt dào cảm xúc để cảm tác thành nhạc, thành thơ...
Một ngày mang cả bốn mùa
Se se buổi sáng như vừa sang xuân
Sợi mây trưa hạ mảnh dần
Thu chiều bỗng đến… tần ngần lá rơi!
Thềm đông mờ ảo trăng soi…
Ôi!
“Ba Hòn Đảo”
… mây trôi đại ngàn…
Như là linh khí nước Nam
Ứng vào Thác Bạc, trời ban tặng người
(Trích thơ Trần Trọng Tâm)
Đàm Hằng