Đi xa là để nhớ về nhà. Thủ đô của bạn nhiều cây xanh, nhưng không có nhà ống nhà tầng chi chít như ta. Được mệnh danh là châu Âu giữa lòng Lục địa đen, nhưng Johannasburg chủ yếu là biệt thự, sân vườn, tường vàng vọt phủ dây leo vảy ốc vảy hến, khác hẳn khu toàn bê tông là bê tông được gọi “châu Âu trong lòng Hà Nội” ở Trung Hòa, Nhân Chính. Cái khác biệt càng rõ rệt, khi chúng tôi ngồi xe tay lái nghịch, đi thêm 500km vượt qua các “sa mạc cỏ cháy”, các thung lũng mềm mại gợi cảm đến nao lòng để có mặt ở Vườn Quốc gia Kruger và các Safari (cụ thể ở đây là các khu bảo tồn tư nhân rộng lớn). Cái cách làm bảo tồn, kinh doanh di sản thiên nhiên của bạn dễ khiến người tâm huyết với môi trường thiên nhiên Việt Nam phải thấy buốt lòng.
Khu nhà khách/ hotel với giá đắt đỏ được làm hòa quyện giữa bốn bề thiên nhiên. Rừng, dây leo, cây lớn uốn lượn ôm lấy các hành lang, các không gian của phòng ăn, phòng ngủ. Các bữa babecue (thịt nướng) nghi ngút, lửa đốt mù trời, thổ dân nhảy múa tưng bừng được tổ chức trong rừng cây, toàn cây đại thụ nguy nga, dưới nền là cát, là đất nguyên bản. Tiệc đứng, nổi lửa suốt đêm, trên các vách tường cao đắp đất quây tròn là ngùn ngụt các ngọn đèn lắp xiên xiên. Lửa cháy phần phật, gió thảo nguyên khoáng đạt vô cùng, các chao đèn là những miếng da cừu trắng muốt uốn cong như giàn hoa loa kèn khổng lồ. Muông thú đi lại, soi đèn pin thì thấy mắt hươu, nai đỏ như giọt lửa, bọn ngựa vằn rào rào đi ven tán rừng, thỉnh thoảng lại ngơ ngác nhìn khách lạ. Có khi, voi châu Phi tai to, ngà sắc nhọn như cặp song kiếm đứng trong bóng tối nhìn khách. Các lối đi, các cửa phòng đều có chữ bằng tiếng Anh: im lặng cho thú nó ngủ, cẩn thận kẻo khỉ và các loài tinh nghịch nó lấy đồ đem đi chơi. Sáng ra, chim gọi khách dậy líu lo. Hoa rừng được hái về, kết thành bè thành mảng, sắc màu rực rỡ khắp các bàn ăn, bàn trà, bàn cà phê và ven các lối đi trên đỉnh rừng (hành lang gỗ bắc cao trên tán rừng).
Giá vào một khu vườn (khu Safari) lên tới gần 1.000USD/ngày đêm. Ở đó, tràn ngập dịch vụ chăm sóc du khách, từng bữa ăn, giấc ngủ, các bữa tiệc sáng, trưa, tối. Muốn đi ngắm thú, thì đầu xe có một cộng sự da đen thiện chiến, cuối xe có một hướng dẫn viên quần soóc, mắt xanh, da trắng hết sức thân thiện. Họ kể về lý lịch của hoang thú như giới thiệu các vị cao nhân quý khách. Vào vườn, có người cầm súng lớn, băng đạn sáng choang ở thắt lưng, đi bảo vệ, tránh bị thú dữ tấn công. Chúng tôi đi cả trực thăng xuyên rừng, ô tô đặc chủng đảm bảo cho bạn chạy mọi xó xỉnh chụp ảnh, đồng thời vẫn an toàn khi đối mặt với hàng chục con voi, hàng chục con sư tử và báo hoa hung dữ nhất. Nước bạn giữ các các đống phân voi, phân tê giác, các cây cọc bóng nhẫy mà tê giác và thú lớn hay đến cọ mình đùa nghịch để khách ngắm nghía. Các bộ sừng, các xương sọ thú lớn bị ăn thịt, bị săn trộm đều được giữ tại hiện trường, như một cách làm bảo tồn nguyên trạng.
Tối đi chơi có người soi đèn, có người cầm đèn đi giật lùi cho bạn bước tới mỗi hành lang. Ngoảnh mặt ra phía nào cũng có một người da đen cần mẫn: ngài cần gì ạ. Và muông thú được sống hoàn toàn tự nhiên giữa rừng rộng mênh mông. Đó là thiên đường của các loài thú lớn. Chúng đông đàn dài lũ, rồi chúng biến các vườn, các safari trở thành thiên đường cho những người muốn trở về thuở ấu thơ/ cổ tích của nhân loại đến… mua dịch vụ!
Người Nam Phi trang hoàng cả các bức ảnh động vật quyến rũ ở mọi nơi, thậm chí cả ở trong nhà vệ sinh công cộng, rồi mỗi nhà vệ sinh trong mỗi phòng ngủ đều có các tấm pano vẽ trên kính, trên gỗ, và các bức ảnh treo. Làm sao để khi bạn đánh răng, rửa mặt, khi bạn tắm… vẫn có thể nhìn thấy và tranh thủ nghiên cứu về lịch sử các cánh rừng và muông thú bạn đang có mặt. Người ta quảng bá thương hiệu, quảng bá truyền thống bảo vệ thiên nhiên, cách chăm sóc, nuông chiều muông thú có lịch sử hàng trăm năm một cách cần mẫn. Đọc các thông số trong nhà vệ sinh và ở khắp mọi nơi ấy mà thấy tự hào thay cho người nước bạn: từ năm 1898, Nam Phi đã thành lập khu bảo tồn Kruger rộng 2 triệu ha, với hàng rào bảo vệ dài nhất thế giới mà chúng tôi đang có mặt. Tức là 64 năm sau thì Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam (VQG Cúc Phương) mới ra đời. Năm 1927, Kruger đã đón những chuyến ô tô xuyên rừng đầu tiên, đưa khách đi xem muông thú sum vầy, với sư tử, voi, báo, trâu nước, tê giác, ngựa vằn nằm ngơ ngác nhìn đoàn ô tô lượn trước mũi. Vườn Kruger có hơn 2.000 nhân viên phục vụ, 700 người kiểm lâm, rộng tới 200.000km2, tức là 2 triệu ha, tức là rộng gấp 100 lần VQG Cúc Phương - Vườn đầu tiên với đa dạng sinh học đầy kiêu hãnh của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi phải đi trực thăng ngắm vườn Kruger. Nơi đây sở hữu tới 70% số lượng tê giác của toàn trái đất. Hơn 15 nghìn tê giác, hàng nghìn con báo gấm, nhiều nghìn con sư tử, cả vạn con voi châu Phi, bọn hươu, nai, ngựa vằn nhiều không thể kể xiết...
Ai đó thở dài, nhớ vài chục năm trước, hổ, báo, voi ở Việt Nam cũng nhiều lắm. Bây giờ, đi hết các vườn quốc gia ở Việt Nam, du khách cũng không thấy được một loài động vật đáng kể nào. Con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã chết năm 2010, hổ thì ước đoán là còn vài chục, song hàng chục năm qua chưa một ai trông thấy, voi rừng lác đác vài đàn nhỏ và thường xuyên bị bắt giết trộm để lấy ngà. Thảm cảnh đó, khiến chúng ta thất thu về du lịch thiên nhiên hoang dã thì đã đành. Cái đau đớn hơn, là ký ức của người dân (đặc biệt là trẻ nhỏ) sẽ không thể có được hình ảnh các loài động vật tuyệt đẹp trên quê hương mình. Thiên nhiên, là thứ tối quan trọng trong việc hành thành nhân cách của mỗi người. Thế giới động vật đẹp như chốn thiên đường, sum vầy sung túc… đã biến mất. Vấn đề bây giờ là làm sao phát huy, quản lý tốt cái mà thiên nhiên của chúng ta đang còn giữ được…
Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)