Người ăn xin ở Ăng-kor cũng rất nhẹ nhàng, từ tốn, họ đánh đàn, hát hò, xếp xoong chậu ra xin tiền du khách bên tấm biển bằng đủ thứ tiếng: “chúng tôi là nạn nhân tàn phế vì bom mìn, xin hãy rủ lòng thương”. Họ không đeo bám khách như ở Việt Nam và nhiều nước khác. Người chăn ngựa cho du khách chụp ảnh bên nghìn năm thành quách cổ xưa Ăng-kor cũng nằm lơ mơ ngủ bên rêu phong trầm mặc gần đó là chú ngựa buộc gốc cây thốt nốt nhẩn nha ăn cỏ, thỉnh thoảng lại ngẩn ngơ gõ móng cồm cộp... Góc bên kia, vài lão nghệ nhân đẽo mõ tre, gọt các quả dừa tươi thành các con vật xinh xẻo; góc này, voi lớn chạy bụi mù trong rừng cổ thụ đưa du khách ngoạn cảnh. Đặc biệt, trong cơn lốc đáng sợ của cái gọi là trùng tu tôn tạo di tích ở Việt Nam, tôi còn được đọc một lời truyền dạy khác của đền tháp Ăng-kor Wat, Ăng-kor Thom…
Cách đây vài năm, khi cuộc chiến bảo vệ làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, rồi thành cổ Tuyên Quang cùng hàng vạn di tích đình chùa miếu mạo đang bị làm mới, bị xâm hại, bị gọt hết rêu phong bởi các cơ quan mang danh nghĩa quản lý và “bảo tồn” văn hóa ở Việt Nam, tôi đã phải đi các nước để xem xứ người họ có “xử ác với di sản” không? Và tôi đã nhận thấy bài học từ Ăng-kor.
Ở mênh mông cổ kính Ăng-kor, những bức tượng quý bị thế lực xấu phá hoại, cái cụt đầu, cái vỡ tan. Các chuyên gia bảo tồn và người Campuchia không đập đi xây mới, không phục hồi di tích trở về thuở nó mới được… khánh thành từ mấy trăm đến cả hơn nghìn năm trước. Họ để nguyên hoang phế, chỉ phục hồi những bộ phận đã bị hư hỏng của đền tháp, của một bức tượng. Nhan nhản những bức tượng đá rêu phong xám ngoét, riêng phần đầu vị tượng làm bằng đá trắng bóc, mới tinh! Hai phần cũ mới, trắng đen rõ rệt. Du khách cứ ngắm cái cổ, cứ tiếc cái phai tàn do thời gian, do bị phá hoại. Cũ mới rõ ràng, người chiêm bái thả sức so sánh, thả sức liên tưởng và ngẫm ngợi.
Ở Việt Nam, một số dự án trùng tu của các chuyên gia “mang tiếng là hàng đầu” trong nước đã đổ hóa chất vào tiêu diệt rêu mốc và các loại cây ký sinh (cả cây cổ thụ) trên di tích, để “biến di tích 400 tuổi thành một ngày tuổi” (như trường hợp thành cổ Tuyên Quang, thành cổ Sơn Tây - Hà Nội). Trong khi ấy, thì ở Ăng-kor, những chiếc cổng đá chon von, đá rời ra từng mảng có thể rơi đổ bất cứ lúc nào, bên trên sự lểu bểu đó còn trùm phủ một cái cây dại cổ thụ khổng lồ như con mãng xà - người ta cứ để mặc như vậy, sau khi cắm biển “nguy hiểm” để cảnh báo du khách hãy “nín thở” chiêm ngưỡng bước chân diệu kỳ của người Campuchia trong quá khứ. Đặc biệt, các cây đại thụ to hơn và trùm lên cả di tích; cảm giác rằng những bộ rễ cuồn cuộn như nhiều bàn tay khổng lồ đang bóp vụn thành quách cổ xưa kia… – chúng vẫn tồn tại mà không hề bị “tiêu diệt tận gốc để bảo tồn”. Người Campuchia lập luận rằng: cái cây đang làm giá đỡ, đang giơ vai ra cõng phế tích, nếu cái cây chết, thì di tích cũng chỉ còn là đống gạch đá vụn. Vì thế nên họ để cây đại thụ và phế tích cứ nguyên trạng ôm ấp nhau đầy quyến rũ như thế, để cho các nghệ sỹ phương Tây - Hollywood đến lấy đền tháp xưa, cây cổ thụ “ngồi trên, ngồi trong” di tích để làm không gian lý tưởng cho tuyệt phẩm “Bí mật ngôi mộ cổ” ra đời. Bộ phim kinh điển này đã đem lại siêu lợi nhuận cho nhà làm phim và siêu thu nhập cho các thế hệ người làm du lịch ở Campuchia, đến mức bà con bản xứ đều coi sự trù phú hôm nay của họ hầu hết là do bàn tay “nhiệm màu” của “bà” Angelina Jolie, nữ diễn viên chính đóng bộ phim (!)
Du khách chợt nhận ra: một trong những cái quan trọng nhất mà họ cần ở Ăng-kor là dấu tích thời gian, là bước chân huyền thoại và kỳ vĩ của người Campuchia xưa kia ẩn trong mỗi di tích. Cho nên hãy cứ để nước thời gian gội mình lên di sản. Hãy cứ để quá khứ tiếp tục kể câu chuyện của nó, bàn tay nâng niu bảo tồn của người hôm nay hãy thận trọng, kín đáo, hãy tôn trọng các chân lý bảo tồn mà cả nhân loại tiến bộ đang vươn tới. Và, cái mà người làm du lịch cần làm hơn nữa, ấy là một thái độ ứng xử có văn hóa, một bàn tay quản lý hiệu quả để du khách còn muốn thêm một lần quay lại xứ sở chùa Tháp. Chứ đừng chặt chém như ở Sầm Sơn, đừng “móc hầu” bao khách đáng xấu hổ như gã đạp xích lô, gã lái xe taxi, mụ hàng cơm hàng cháo ở ta.
Bất giác, tôi tự hỏi, Campuchia họ có phát triển hơn Việt Nam không? Sao họ bảo tồn tuyệt vời thế, họ khiến Hollywood phải nghiêng mình cầu thị đến đóng phim? Sao tôi đến Ăng-kor, cô nhân viên du lịch bảo tôi “nhìn thẳng” (để chụp ảnh), rồi ngay lập tức ảnh chân dung tôi được dán trên vé tham quan của tôi, giá 20USD một vé - tôi vẫn vui vẻ trả tiền để được trải nghiệm thêm một lần với Ăng-kor. Vì sao đám thợ chụp ảnh cười cười chụp trộm ảnh tôi, rồi lúc trở ra, họ đưa cho tôi một tấm bìa, một cái đĩa có in hình Ăng-kor và gương mặt tôi lúc vừa chạm đến với Ăng-kor; rồi bảo “cho xin vài đồng” – vì sao mà tôi lại thấy vui!? Cũng có nhiều người không trả tiền, không lấy bức ảnh và vật lưu niệm rất đáng lưu giữ kia, các cậu bé cũng vui vẻ “cảm ơn” rồi lại cầm máy ảnh đi chụp người khác và làm kỷ vật khác để chờ họ quay ra “trả tiền”. Ôi, giá mà hình ảnh Du lịch Việt Nam, hình ảnh bảo tồn di tích ở Việt Nam cũng có những trường đoạn thân thương đến thế!.
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)