(VTR) - Việc “khai thác du lịch” Tam Giác Vàng (giáp gianh giữa các nước Lào, Thái, Myanmar) đã khiến tôi giật mình khâm phục. Khâm phục rồi thì dĩ nhiên là vui vẻ móc hầu bao. Người ta có thể gặp ngàn lẻ một thứ mang/kinh doanh nhãn hiệu “Golden Triangle” (Tam Giác Vàng) trên phần đất ngã ba biên giới, ven sông Mê Kông của tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Khách sạn 5 sao, resort, cả một bảo tàng, cả khu bệnh viện, nhà hàng, đồ lưu niệm, tượng Phật, thuyền bè, bến nước, áo mũ, bật lửa, tranh ảnh, từng mụn vải, vài miếng sắt nhỏ nhất… tất cả,người ta đều quyết tâm dán thương hiệu Tam Giác Vàng vào (từ những cái nhỏ nhất như một miếng gỗ có nam châm đính trên xe cộ, đồ gia dụng; đến cái lớn hơn như Bệnh viện “Golden Triangle”, cả khu resort triệu triệu đô la mang tên “Golden Triangle”, ở Myanmar có cả thành phố biên thùy “Golden Trianggle” Tachilek).
Đỉnh cao của kỹ nghệ và năng lực làm du lịch từ huyền thoại Tam Giác Vàng của người Thái Lan và người Myanmar có lẽ là hai Bảo tàng Thuốc phiện (House of Opium - Museum) ở bên bờ sông Mê Kông thuộc hai quốc gia, khi nó chảy qua địa danh khét tiếng Tam Giác Vàng, nơi cung cấp tới 70% lượng ma túy cho toàn cầu. Chắc rằng, trên cả thế gian này chỉ Tam Giác Vàng mới có “Bảo tàng Thuốc phiện”.
Đây là nơi hội tụ tất cả những ý tưởng ngộ nghĩnh và trí tuệ nhất liên quan đến việc trưng bày “kỹ nghệ ma túy” mà loài người có thể nghĩ ra được, để làm sao gợi thật nhiều sự tò mò của du khách. Tấm biển lớn, viết tiếng Anh, trình bày về lịch sử ra đời, sự tai quái tàn độc của loài cây anh túc. Với ba tầng lầu, bạn sẽ gặp ở bảo tàng ma túy câu chuyện ông bác sỹ phương Tây tìm ra công dụng giảm đau của cây thuốc phiện, rồi ở thế kỷ 17, người ta hồn nhiên pha nhựa anh túc vào cà phê ăn với bánh ngọt, kẹo mút cho nó phê phê biêng biêng… thật là tao nhã. Thế giới cũng không thể nào quên được cuộc chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và 8 nước đế quốc, kết quả là Trung Hoa lục địa thất bại, bị diều hâu cú vọ xâu xé. Rồi hình ảnh ông Lâm Tắc Từ dùng bàn tay thép của mình hỏa thiêu tới 1,2 triệu lạng thuốc phiện tại Hổ Môn vào ngày 3/6/1836, lửa ma túy cháy suốt 20 ngày mới tắt. Hai nhân vật chống và ủng hộ thế lực dùng thuốc phiện thao túng thế giới là vua Đạo Quang của Trung Quốc và nữ hoàng Victoria cũng được “dựng tượng” tại bảo tàng.
Tất cả được trình bày chi tiết đến… rụng rời: đây là mùa vụ gieo hạt và cứa gom nhựa anh túc; đây là mô hình cây thuốc phiện với đủ màu hoa lá sặc sỡ, từ lúc cây bé đến lúc đủ lớn để ra quả và cho nhựa; kia là hàng trăm thứ dụng cụ cạo chích, gom nhựa, rồi hàng chục loại cân tiểu ly, cân đĩa, mỗi quả cân là một hình thù cổ quái khác nhau. Nữa, ảnh những nương hoa anh túc mênh mông, thứ nhan sắc giết người từng thống trị núi rừng, không gian, sông suối mà lãnh địa Khun Sa trùm lên lãnh thổ ba quốc gia. Bảo tàng còn trưng bày những thứ mà người Việt Nam có lẽ vĩnh viễn không bao giờ được mục sở thị ở ngoài đời: các logo, nhãn hiệu, thương hiệu heroin mà Tam Giác Vàng có thể phân phối đi khắp thế giới. Bảo tàng thuốc phiện, có lẽ cũng là nơi duy nhất trên thế giới mà các cửa hiệu có treo biển bán… opium (thuốc phiện). Họ treo công khai, mua bán công khai, chỉ có điều những cái du khách mang về là đồ cổ sưu tầm, là hàng mỹ ký, quà hàng lưu niệm, giúp khách nhớ về một thế giới từng tràn ngập cây thuốc phiện và các loại ma túy. Họ treo biển, bán các bộ sưu tập cân tiểu ly, quả cân, đĩa cân, các hình thức đo lường cổ xưa và tân kỳ nhất với muôn hình vạn trạng mà người dân và các ông trùm vùng Tam Giác Vàng thường dùng để buôn bán thuốc phiện, bạch phiến (heroin), metamphetamine…
Ôi, sao người nước bạn làm bảo tàng quý giá, rồi sử dụng cái quý giá ấy đi phục vụ du lịch thu về vàng thoi bạc nén, sao giỏi đến thế.
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)