(Tạp chí Du lịch) - Hướng đến kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023 và 10 năm Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (9/12/2013-9/12/2023), Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ) tổ chức triển lãm tư liệu lưu trữ “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”, giới thiệu đến công chúng sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa...
Triển lãm trưng bày trên 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch, được bố cục với 3 chủ đề chính: “Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm”, “Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm”, “Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí”. Thông qua triển lãm, Ban Tổ chức muốn giới thiệu đến công chúng sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa giai đoạn cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây. Thông qua cuộc Triển lãm, nhiều hồi ức đẹp về Hà Nội được thể hiện qua lăng kính của chính những người con sinh ra và lớn lên ở đây, đem đến cho công chúng nhiều cảm xúc tươi mới trong những ngày mùa thu Hà Nội này.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, Hồ Gươm vốn là dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang TP. Hà Nội, trở thành điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. “Diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới, từ thói quen ăn mặc, cách trang trí nhà cửa đến nhu cầu giải trí. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và khu vực Phố cổ”, bà Trần Thị Thúy Lan chia sẻ. Triển lãm kết thúc vào ngày 31/10/2023.
Tuấn Sơn