Triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tại các vùng trọng điểm
Các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh hoạt động trở lại
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hoả tốc gửi các hãng hàng không, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam về việc tiếp tục thực hiện chuyến bay chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua hai cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Quy trình xem xét, quyết định cấp phép bay được thực hiện như trước đây.
Cục Hàng không cho biết việc cho nhập cảnh trở lại tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Giao thông vận tải.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng nhập cảnh toàn bộ các đối tượng hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 27/5 đến hết 4/6/2021. Ngày 31/5, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục thông báo tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Nội Bài từ ngày 01-07/6/2021, và kéo dài thời gian tạm dừng nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14/6/2021.
TP. Hồ Chí Minh đảm bảo phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa họp với UBND TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, hiện Thành phố đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Về việc xử lý ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã cử Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức họp với quận Gò Vấp để chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi thực hiện cách ly toàn xã hội trên địa bàn quận theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện, Thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, trong đó tập trung lấy mẫu ở các tổ bầu cử có thành viên nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi bầu và lấy mẫu toàn bộ người dân quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12). Trong những ngày tới, xác định các khu công nghiệp, khu chế xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Thành phố ưu tiên lấy mẫu cho công nhân trong các doanh nghiệp.
Về vấn đề vaccine, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố có nhu cầu tiêm chủng rất lớn cho người dân, nhất là cho những người có nguy cơ cao và kiến nghị Chính phủ có cơ chế để Thành phố, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia nhập vaccine. Hiện Thành phố đang chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ thứ 2 nhằm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần này, nhất là những người làm việc trong ngành dịch vụ, công nhân bị mất việc làm,…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt lo ngại nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện trong các khu công nghiệp bởi môi trường tập trung đông người, nhà máy khép kín, trong khi thực hiện phòng dịch hiện vẫn chưa nghiêm. Do vậy, trước hết phải làm tốt việc quản lý công nhân; nơi ở, phương tiện đưa đón, nhà cung cấp, tổ chức xét nghiệm sàng lọc…, phải tạo ra chuỗi an toàn. Với 1,6 triệu công nhân trong các nhà máy, nếu TP. Hồ Chí Minh không quản lý tốt, nguy cơ khủng hoảng sẽ xảy ra rất nhanh.
Về vaccine, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vấn đề hiện nay không phải là kinh phí, mà nguồn cung rất khó khăn, dù Việt Nam mua được hàng trăm triệu liều nhưng việc nhận là theo kế hoạch, từ giờ đến cuối năm mới nhận đủ.
Đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng việc xảy ra lây nhiễm từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là một bài học sâu sắc trong công tác chống dịch của Thành phố.
Theo Phó Thủ tướng, việc khởi tố vụ án liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là khởi tố một vụ án làm lây lan bệnh dịch chứ không khởi tố một tôn giáo. Nếu có bị can thì đây là việc xử lý một cá nhân với tư cách là công dân chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Qua việc để xảy ra lây nhiễm và trở thành ổ dịch lớn ở Gò Vấp, công tác quản lý của các cấp cơ sở cần được chấn chỉnh, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể địa phương.
TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng dịch, thực hiện 5K. Riêng tại các khu công nghiệp, với hàng triệu lao động, cần giám sát việc thực hiện bộ tiêu chí đảm bảo an toàn. Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về tổ chức các khu cách ly, TP. Hồ Chí Minh cần đảm bảo yếu tố an toàn, phòng cách ly như kế hoạch của Thành phố; phải có vách ngăn, có camera giám sát,…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý, kế hoạch xét nghiệm toàn Thành phố là rất cần thiết nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, trước tiên tập trung cho các khu công nghiệp. Huy động các nguồn lực cùng tham gia mua vaccine.
Người từ vùng dịch về Hà Nội phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội khuyến cáo những người về từ các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh cần khai báo y tế trực tuyến hoặc khai báo trực tiếp tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tự cách ly y tế tại nhà.
Ngày 1/6, Hà Nội đã thống kê được ở 30 quận, huyện, thị xã có số người về từ Bắc Giang là 2.448 trường hợp và 1.583 trường hợp là người về từ Thành phố Hồ Chí Minh đã khai báo y tế trực tuyến từ ngày 15/5 đến nay.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội đã báo cáo và đề xuất với Sở Y tế Hà Nội tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với những người trên để đánh giá nguy cơ, giám sát trọng điểm với những người về từ hai địa phương Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh.
Thảo Anh
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ