Hà Nội tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 28/5/2021, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 1639/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID trên địa bàn Thành phố.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo yêu cầu lãnh đạo trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương) và Chủ tịch các Hội đồng thành viên, Tổng Công ty, Công ty, doanh nghiệp trực thuộc Thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với các nội dung:
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm: Quán triệt sâu sắc nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch COVID-19 trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tuyệt đối không hoang mang, lo lắng, thái quá, đặc biệt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân với quan điểm “chống dịch như chống giặc”…; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sức khỏe nhân dân được an toàn, đồng thời tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố; người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn và đơn vị. Đặc biệt là chủ động rà soát, xây dựng bổ sung các kịch bản, phương án phòng, chống dịch theo nguyên tắc “3 lớp”, “3 trước” (nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” trong mọi cấp độ, tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất;…
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thông qua: tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện phòng, chống dịch tại hộ gia đình, khu chung cư, khu nhà ở của công nhân, ký túc xá sinh viên, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông… theo hướng dẫn của cơ quan y tế; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết (khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin). Cũng theo đó, các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên (trừ các lực lượng vũ trang, y tế và các lực lượng khác theo quy định… Đối vớisự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại Tổ COVID cộng đồng và phối hợp Công an Thành phố kiện toàn lại Tổ COVID cộng đồng. Người đứng đầu chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng và chịu trách nhiệm về việc kiểm soát các khu cách ly tập trung trên địa bàn, giám sát tất cả những trường hợp nhập cảnh hết thời gian cách ly tập trung và đang được giám sát theo dõi sức khỏe tại nhà…
Ngoài ra, UBND Thành phố chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố, Sở Nội vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Bắc Giang, Bắc Ninh có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà trọ
Những ngày vừa qua, số ca nhiễm COVID -19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh liên tục tăng nhanh (đứng đầu cả nước) khiến cho tình hình dịch tại 2 tỉnh này ngày càng diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Để khắc phục tình hình khó khăn khi các điểm cách ly quá tải. Ngày 28/5, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các địa phương. Theo đó, Bắc Giang và Bắc Ninh có thể thí điểm cách ly F1 tại ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân. Những nơi này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định như đối với khu cách ly tập trung, gồm: Lắp camera giám sát; yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý người không tuân thủ quy định, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây ra cộng đồng.
Với các địa phương trên toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu trước khi đưa F1 trong khu công nghiệp đi cách ly phải phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất, mức độ nguy cơ. Nhóm F1 có cùng nguy cơ được cách ly trong cùng phân khu; các khu công nghiệp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng tuần cho lao động, người cung cấp dịch vụ như ăn uống; khách sạn, lưu trú cho chuyên gia; vận chuyển vật tư, hàng hóa; sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc.
Bộ Y tế cũng yêu cầu doanh nghiệp phải xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại cơ sở sản xuất và khu nhà trọ có nguy cơ. Tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan (cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển hàng hóa), phải khai báo y tế bắt buộc. Phương tiện vận chuyển lao động được chở tối đa một nửa công suất; mở cửa sổ; hạn chế dùng điều hòa.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương căn cứ kết quả đánh giá an toàn để xem xét cho phép từng phân xưởng hoặc toàn bộ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất hay dừng hoạt động.
Hải Dương kêu gọi người dân quyên góp tiền mua vaccine COVID-19
Xác định việc tiêm vaccine trên diện rộng có ý nghĩa quyết định đến công tác phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19, ngày 28/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương đã phát động toàn dân quyên góp tiền mua vaccine COVID-19 nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Theo dự kiến kinh phí mua vaccine cần khoảng 300-560 tỷ đồng để tiêm cho khoảng 1,4 triệu người. Tuy nhiên, hiện tỉnh Hải Dương đang gặp khó khăn về nguồn lực để mua vaccine nên tỉnh hy vọng các tổ chức, đơn vị, cá nhân có thể chung tay hỗ trợ, giúp Hải Dương vượt qua đại dịch.
Tại buổi lễ phát động, Ban Tổ chức nhận được hơn 27 tỷ đồng ủng hộ. Trong đó, 10 tỷ đồng là do Công ty CP Tập đoàn Hào Phát hỗ trợ. Công ty CP Đại An và Công ty TNG Holdings Việt Nam mỗi đơn vị 5 tỷ đồng…
Ban Tổ chức hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tỉnh sớm có thể thực hiện được kế hoạch tiêm vaccine trên diện rộng, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Hạo Nhiên
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ