Nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tình hình tổng thể cả nước dịch đang được kiểm soát, nhưng cục bộ tại một số địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Diễn biến dịch ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, điển hình như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thủ tướng nhận định có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó có lý do chủ quan. Một số địa phương, đơn vị lơ là, mất cảnh giác, không đánh giá đúng tình hình để đưa ra biện pháp giải quyết từ đầu. Một số người dân thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch...
Thủ tướng yêu cầu "phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa" để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ quán triệt mục tiêu trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Cùng với đó là kiểm soát và dập tắt dịch bệnh đang bùng phát, nhất là ở các địa phương, địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các khu công nghiệp.
Thủ tướng đề nghị các địa phương phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Trước mắt, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ngoài công việc được giao sẽ trực tiếp chỉ đạo việc phòng, chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất kinh doanh; tại Hà Nội, ngoài Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp điều hành, chỉ đạo còn có các bộ, ngành phối hợp hỗ trợ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh và cư trú trái phép. Cả nước huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch nhưng vẫn phải tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là các khu công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ.
Theo GS. TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ cũng đã có những Nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vắc xin trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng. Bộ Y tế đã tích cực tiếp cận, trao đổi, đàm phán để có vắc xin phòng COVID-19. Đến nay, số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã làm việc trực tiếp với đại diện Đại sứ quán và Hiệp hội, công ty có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vắc xin cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực có doanh nghiệp FDI.
Song song với tích cực tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
“Việt Nam cũng có kế hoạch mua bản quyền vắc xin, tiếp cận chuyển giao vắc xin, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để làm sao có vắc xin sớm nhất và tự chủ vắc xin sử dụng trong nước”- GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin.
Để đảm bảo an ninh vắc xin, một trong những vấn đề rất quan trọng đó chính là đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vắc xin. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vắc xin. Theo Quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 được ký, ban hành mới đây, Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ.
Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
“Có thể nói rằng, đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vắc xin cho người dân. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong vấn đề huy động nguồn lực xã hội cho vấn đề về vắc xin” - GS. TS Nguyễn Thanh Long nói đồng thời cho biết tới đây tiếp tục kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm cũng như mọi người dân tham gia vào Quỹ vắc xin, đảm bảo cơ chế tài chính cho vấn đề vắc xin trong tương lai…
Theo thống kê của Bộ Y tế tính từ ngày 21 - 28/5 đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ Vắc xin với tổng số tiền gồm: 470 tỷ đồng; 1 triệu USD và 5 triệu liều vắc xin COVID-19.
Lan Phương
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ