Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, Đỗ Thị Hồng Xoan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, liên kết về du lịch chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch… để vượt qua các khó khăn thách thức, tạo sức cạnh tranh về sản phẩm và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch. Với xu thế chung của toàn cầu là mở cửa, hợp tác và hội nhập, nhu cầu du lịch ngày càng tăng, đòi hỏi ngành Du lịch mỗi quốc gia phải có sự chuẩn bị tốt nhằm đáp ứng cho nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Thời gian qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh chung của Du lịch Việt Nam, chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành. Việc nắm rõ những yêu cầu hội nhập và giải quyết tốt những vấn đề đặt ra sẽ giúp các cơ sở lưu trú Việt Nam đứng vững trong cạnh tranh, góp phần đạt được mục tiêu chung trong khối ASEAN và chiến lược phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.
Được biết, tính đến tháng 2/2016, tại Việt Nam đã có 18.850 cơ sở lưu trú du lịch với 360.000 buồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2001. Trong đó có: 94 cơ sở 5 sao, 220 cơ sở 4 sao, 442 cơ sở 3 sao, 1.351 cơ sở 2 sao, 3.225 cơ sở 1 sao, số còn lại là các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch. Tình hình các cơ sở lưu trú tăng nhanh về số lượng tại các thành phố và trung tâm du lịch, điểm đến du lịch… đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn các địa phương theo chiều hướng tích cực. Về chất lượng, ngày càng có nhiều hệ thống cơ sở lưu trú có cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ, đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và quốc tế… Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các khách sạn nói riêng và khối cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với không ít vấn đề khó khăn, thách thức; đòi hỏi có sự tham gia hợp lực, phối hợp chặt chẽ của các bên tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó có vai trò lớn của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Tại hội nghị, các chuyên gia Dự án EU đã trình bày các tham luận về các vấn đề: “Hội nhập khu vực theo ASEAN MRA – TP - Những vấn đề đặt ra cho ngành Khách sạn Việt Nam”, “Áp dụng VTOS vào thực tế khách sạn ở Việt Nam”, “Áp dụng Tiêu chuẩn VTOS vào kinh doanh khách sạn vì lợi ích của doanh nghiệp”; ngoài ra còn có phần tham luận của một số đơn vị khác như: “Đào tạo theo VTOS tại Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh”, “Áp dụng Tiêu chuẩn VTOS vào các chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp”, “Tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các khách sạn”…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề chính trong bối cảnh mới và định hướng áp dụng VTOS trong các khách sạn, với mục tiêu đưa các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tin và ảnh: Thu Hương