Hoa tam giác mạch chỉ nở rộ trong khoảng một tháng, rồi tàn lụi dần. Mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là cái tên “tam giác mạch” ra đời. Người Mông còn gọi tam giác mạch là “chez”. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Hạt tam giác mạch có thể xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị đặc biệt, là đặc sản của vùng cao Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai…
Không biết từ bao giờ, dân nhiếp ảnh và du lịch đã bị loài hoa này quyến rũ, để rồi cứ vào thời điểm hoa nở rộ lại rục rịch gọi nhau lên đường. Vượt hàng trăm cây số, họ chỉ mong được đắm mình trong không gian mờ sương của núi rừng, ngắm màu hồng phớt xen lẫn trắng tinh khôi của những thửa ruộng tam giác mạch ngút ngàn.
Qua một khúc cua hiểm trở hay tới một thung lũng nhỏ, bạn sẽ ngỡ ngàng khi bất chợt gặp những triền núi phủ đầy hoa. Ở Lào Cai, tam giác mạch mọc nhiều ở các huyện phía Bắc như Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương. Để ngắm hoa tam giác mạch ở vùng này, bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội tới Bắc Hà rồi thuê xe máy để tới những ruộng hoa.
Ngoài ra, bạn còn có thể tham quan một số điểm du lịch tại đây như dinh thự họ Vương, bản Phố, tham gia vào các phiên chợ vùng cao đặc sắc như chợ Cán Cấu (họp vào sáng thứ 7), chợ Bắc Hà (họp vào sáng chủ nhật).
Bài: Phương Lê
Ảnh: Hương Giang
(Tạp chí Du lịch)