Biển ấm hơn bởi những bước chân người nối nhau tinh khôi trên cát sau những lần thủy triều dâng. Và rồi, như một biến thiên của lịch sử, những ngư dân lặng lẽ bám biển bao đời bỗng trở thành tâm điểm trước ống kính của khách du lịch. Những hoạt động chài lưới bỗng dưng được quan sát tỉ mỉ. Biển tình cờ thành một “sân khấu”, ngư dân tình cờ trở thành những nhân vật chính trên sân khấu cuộc đời trước những cuộc du lãm của chúng ta. Biển ngày một ăn sâu vào đất liền bằng sóng; bên tiếng sóng ầm ào ấy, một cuộc sống mới cũng trở nên sôi động hơn.
Nhưng vẫn còn đó một cuộc sống lặng lẽ, còn đó những nếp nhà cũ kỹ khiêm nhường bên nhịp sống mới khẩn trương. Đến vùng biển Hải Hậu (Nam Định), từ múi đất Thịnh Long, chỉ cần ngược lên mạn Đông Bắc chừng mươi cây số là đã gặp làng Hải Triều cổ xưa với nhịp sống bình yên sau những biến thiên của biển. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi ấy là dấu tích của khúc đê quai bị vỡ. Những viên đá hộc còn nằm lại bên này khúc đê bê tông vững vàng mới đắp nên, nhưng cũng đủ khiến ta rùng mình đứng lại. Chẳng biết khi ấy, những căn nhà ngói mái ngói ri đỏ với giàn mướp hương, đầm tôm khia đó sẽ lao đao trong trận đồ cuồng bạo của sóng biển như thế nào. Đi xa theo chút nữa là những mái nhà đã bỏ hoang, dường như có một ngôi nhà thờ đạo cũng đóng cửa khá lâu với những cánh cửa đã bị thứ gió mang theo vị muối mặn gậm mòn. Màu vàng sẫm đã ngả dần sang gam nâu tối là chứng tích của một quá khứ đầy ắp những đợt tàn phá khốc liệt của biển.
Nằm giữa một bên là biển, một bên là dòng sông nước ngọt Ninh Cơ nhận nước nguồn ký thác của sông Bôi, sông Đáy, sức mạnh của nước ngọt lấn biển tới mức ngay sát những vòng đê quai, nếu khoan sâu xuống, vẫn hút được những giọt nước ngọt. Có thể, chính sự ưu đãi của tạo hóa khi vừa ban cho lòng biển rộng chứa đầy tôm cá, vừa không quên đặt sau lưng Hải Triều một dòng sông để tưới tắm ruộng đồng đã khiến cho con người ở đây thuần hậu và điềm tĩnh. Nếu chỉ lướt qua trên đường bê tông, ta sẽ dễ cho rằng giờ chỉ còn những đầm tôm đắp bê tông, những bể ngâm hải sản là cách làm ăn vừa thức thời vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian canh tác lại không lâu. Nhưng ngược vào trong làng, trước mắt tôi vẫn nhận ra cánh đồng muối Hải Triều mênh mông dù thời điểm này chưa phải thời vụ của muối.
Nhưng nghề làm muối ở đây lại có những điểm rất lạ so với cách làm muối ở các tỉnh miền Nam. Vị ngọt của dòng sông Ninh Cơ đã làm loãng đi vị mặn khiến cho hàm lượng muối ở đây không được cao. Chính vì lẽ đó, bà con phải chờ đến khi chất muối ngấm lên khỏi mặt cát vào những ngày nắng nóng mới vét vào các máng, để lắng xuống các thống muối đợi lặng kết để vớt lên phơi cho đến khi có các hạt muối tinh. Mỗi ô vuông chòm chèm 5m vuông như thế cũng chỉ cho thu nhập chừng hai chục ngàn. Một cái nghề tưởng đơn giản vì chỉ chắt nước biển ra thành tiền nhưng lại ẩn chứa trong đó bao nỗi vất vả, cơ cực. Anh Long, người “diêm dân” từ nhỏ đã theo cha mẹ lặn lội trên các ruộng muối giờ đã chuyển sang nuôi thêm đầm tôm, mấy luống lạc nhưng vẫn không từ bỏ khoảnh ruộng muối mặn mòi vị biển và mồ hôi của mình. Theo lời anh kể, tôi hiểu rằng không phải ai cũng đủ sự kiên trì để sống với nghề truyền thống vất vả này. Nhưng nhìn cánh đồng muối, nhìn những kho muối lầm lũi như những kim tự tháp trên cát và nghĩ đến những bữa cơm hàng ngày của mọi nhà không thể thiếu vị đậm đà gắn kết gia đình; tạo nên sức bền bỉ của nền nếp nhà người Việt lại thấy chút chạnh lòng khi nghĩ về những người làm muối. Không có người bám biển làm muối, không có người không ngại vất vả, nghèo khó thì biết đâu lại thiếu đi một thứ dư vị rất riêng trong cuộc sống. Những tháp chuông nhà thờ vẫn đổ chuông yên lành trên cửa biển Hải Hậu, những làng quê vẫn yên ả và bền bỉ một sức sống bên sóng biển ồn ào. Có lẽ những làng biển như thế sẽ còn đến mãi muôn đời bởi một bản lĩnh văn hóa hết sức hồn nhiên và vững vàng: yên đất và yêu cuộc đời.
Bùi Việt Phương
(Tạp chí Du lịch)