Đây là mô hình du lịch nông thôn gắn với hoạt động dỡ chà bắt cá ven sông, vốn đã có từ lâu đời của cư dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Giám đốc Công ty Du lịch Mỹ Phước Thành Trương Quang Thái cho biết, ở các địa phương vùng sông nước, nghề đánh bắt cá của người dân có nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, “dỡ chà” vẫn được một số nơi giữ lại để phát triển du lịch với thông điệp hiếu khách từ xa xưa - “dỡ chà đãi khách”. Điển hình là ở Tân Thuận Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hoạt động “dỡ chà” còn là một sinh hoạt lao động mưu sinh, là nét đẹp văn hóa, ứng xử của người dân vùng sông nước Cao Lãnh yên bình và hiền hòa chất phác.
Tham gia đoàn trải nghiệm, các phóng viên khởi hành đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài sự kiện Tập kết 1954 ở phường 6, TP. Cao Lãnh. Đoàn tiếp tục lên du thuyền trải nghiệm hoạt động dỡ chà bắt cá, tôm, là một trong những nghề mưu sinh của người dân vùng sông nước đất sen hồng. Trên du thuyền, đoàn còn được trực tiếp hái bông lục bình trôi nổi trong nước sông tự nhiên, tham gia chế biến và thưởng thức ăn kèm với các món ăn từ sản vật vừa được thu hoạch sau chuyến dỡ chà. Đoàn trải nghiệm thực tế nấu các món cá tôm kho tộ và canh chua... và thưởng thức ngay trên du thuyền bồng bền trên sông nước xứ Sen hồng Đồng Tháp. Chiều về đêm, đoàn đi thuyền đến bến tàu du lịch ở cồn Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh tham quan, trải nghiệm chợ quê về đêm. Chợ có hơn 40 gian hàng phục vụ khách du lịch vào cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật; tái hiện nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Điểm nhấn thú vị ở chợ quê là không gian nhộn nhịp ở các gian hàng; đoàn trải nghiệm hoạt động mua, bán các sản vật, đặc sản địa phương đa dạng và phong phú; trải nghiệm thưởng thức các loại bánh dân gian Nam Bộ, xem đờn ca tài tử và trò chuyện với những người nông dân ở nơi đây.
Ông Trương Quang Thái, Giám đốc Công ty Du lịch Mỹ Phước Thành chia sẻ: “Thông qua mô hình du lịch “Dỡ chà đãi khách”, chúng tôi muốn góp phần bảo tồn, tái hiện lại nét văn hóa truyền thống này của vùng sông nước. Ngày nay, do đô thị hóa nông thôn, nhiều nghề truyền thống của người dân miền Tây Nam Bộ dần bị mai một, và có người dân sẽ lãng quên truyền thống văn hóa người xưa. Do đó, việc tái hiện lại cho thú vị, sống động và chân thật về công việc mưu sinh của cha ông, vốn đã trải qua biết bao năm tháng tồn tại cùng với sông nước, thiên nhiên tươi đẹp kỳ vọng sẽ là điểm nhấn thu hút khách”. Ông Trương Quang Thái cũng mong muốn sản phẩm du lịch “Dỡ chà đãi khách” sẽ thể hiện mạnh mẽ sự hiếu khách, lối sống mộc mạc, gần gũi thiên nhiên sông nước của người dân Cao Lãnh cũng như người miền Tây Nam Bộ được ghi dấu ấn, nhằm góp phần tạo nên nét đẹp, đặc sắc riêng có cho Du lịch Đồng Tháp, cho quê hương xứ sở sen hồng của mình.
Được biết, chương trình tour du lịch trải nghiệm “Dỡ chà đãi khách” tại Cao Lãnh do Cổ phần Du lịch Mỹ Phước Thành triển khai đã đăng ký sở hữu tác quyền từ Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 10/2022. Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Mỹ Phước Thành Trương Quang Thái khẳng định: “Sản phẩm tour được xây dựng với mong muốn làm đa dạng, phong phú sản phẩm lữ hành địa phương. Qua đó nhằm phát huy giá trị văn hóa dân gian, cảnh quan đặc hữu của Đồng Tháp. Đồng thời xây dựng chuỗi dịch vụ cung ứng du lịch thân thiện, trách nhiệm, chuyên nghiệp; tăng cường kết nối các hộ nông dân làm du lịch, điểm, khu du lịch, tour, tuyến để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bằng sản phẩm lữ hành phù hợp, hướng tời từng phân khúc thị trường, góp phần đưa Du lịch Đồng Tháp thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm; quảng bá, xây dựng thương hiệu địa phương xứng tầm với tài nguyên du lịch mà tỉnh Đồng Tháp sẵn có”.
Trần Lợi