Tại sự kiện chế biến và công diễn đã quy tụ hơn 60 đầu bếp chuyên nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh và Bạc Liêu, được chia làm 12 đội thi tham gia chế biến và trình diễn với nguyên liệu làm chủ đạo là tôm và muối Bạc Liêu kết hợp cùng các nguyên liệu khác tạo nên các món ăn như: món nướng, món hấp và rán, món xào, món chiên, món gỏi, món canh, món cơm, món xôi và trộn,... Ngoài các món hương vị của Việt Nam còn có sự giao thoa các món ăn của quốc tế gồm có 10 món ăn của Thái Lan, 10 món ăn Âu và 2 món ăn của Nhật Bản. Tất cả đều có nguyên liệu chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn thực khách.
Theo Ban Tổ chức, sự kiện có sự tham vấn ý kiến từ Hội đồng các chuyên gia, nghệ nhân về văn hóa ẩm thực đến từ Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam để đảm bảo chất lượng cũng như tính thẩm mỹ trong trưng bày và trang trí các món ăn thêm bắt mắt hơn.
Phát biểu tại buổi lễ công diễn, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển ngành nghề nuôi tôm. Đến nay, ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước về sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.
“Tỉnh Bạc Liêu có tuyến bờ biển đã hình thành những ruộng muối trải dài từ đoạn giáp với biển Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến cửa biển Gành Hào và tập trung nhiều nhất ở các xã ven biển của hai huyện Hòa Bình và Đông Hải, với gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, sản lượng hàng năm đạt hơn 15.000 tấn. Với hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương. Từ kinh nghiệm sản xuất của người xưa và những tiến bộ khoa học - kĩ thuật ngày nay, hạt muối Bạc Liêu đã được nâng lên tầm cao mới. Nghề muối Bạc Liêu được vinh danh từ bao nhiêu gian truân, khổ nhọc và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Phan Thanh Duy chia sẻ thêm.
Đây là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị con tôm và hạt muối trong ẩm thực, thông qua những món ăn do các đầu bếp chuyên nghiệp chế biến, tạo cơ hội phát triển ngành ẩm thực của Bạc Liêu gắn với tôm và muối phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và cũng là dịp để các nghệ nhân ẩm thực, các đầu bếp chuyên nghiệp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tay nghề nấu ăn cùng với hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực, giới thiệu các món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu.
Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng chính thức trao Quyết định thành lập và ra mắt Chi hội ẩm thực Bạc Liêu – tỉnh Bạc Liêu.
Trần Lợi