Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh: Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả, thích ứng trong điều kiện bình thường mới
Thích ứng bình thường mới
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Đến nay, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID”; các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế; Liên minh Châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện...
Tổng cục trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhà nước đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/02/2022 giúp cho ngành Du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch. Đáng lưu ý, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Du lịch đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi Du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, ngành Du lịch đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế. Riêng Chương trình thí điểm triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã thu hút hơn 10.000 khách quốc tế. Trong và sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội. Khách du lịch nội địa tháng 02/2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 02/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. |
Nhanh chóng chớp lấy thời cơ
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ VHTTDKL hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Quan điểm của Bộ VHTTDL là mở lại hoạt động du lịch nhưng phải đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/01/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán”.
Tổng cục trưởng cho rằng, dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để tạo “luồng xanh” cho Du lịch Việt Nam phục hồi, theo Tổng cục trưởng cần tập trung vào một số vấn đề:
Thứ nhất, về đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.
Thứ hai, về tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế. Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Các chuyến bay quốc tế thường lệ trở lại hoạt động như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.
Thứ ba, vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến. Đặc biệt là miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19.
Thứ tư, về công nhận hộ chiếu vacxin. Hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.
Thứ năm, về nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đây là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch.
Thứ sáu, về cạnh tranh điểm đến. Làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau hai năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Thứ bảy, về xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách. Ngành Du lịch sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế v“Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Thứ tám: Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.
Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ, ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. |