Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch hướng đến Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012”
Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch hướng đến Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012”
Trước đó, trong 2 ngày 22 - 23/12 đại diện của hơn 30 đơn vị lữ hành của Hà Nội và Huế cùng các cán bộ của hai Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế và Sở VHTTDL Hà Nội đã thực hiện chuyến khảo sát thực tế đến một số tuyến điểm du lịch của Huế như làng cổ Phước Tích, lò võ Vạn An, Trung tâm văn hóa Huyền Trân, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân, các khách sạn trên địa bàn TP. Huế… Thông qua chuyến khảo sát này, các đại biểu tham dự sẽ có được cái nhìn khái quát về một số “vấn đề” của du lịch Huế trước khi đến với buổi tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch hướng đến Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực, bổ ích được những nhà quản lý, những doanh nghiệp lữ hành du lịch của Hà Nội, Huế phát biểu với mong muốn đóng góp xây dựng những sản phẩm du lịch sinh động hơn, có sức hấp dẫn hơn, có tính xã hội hóa cao hơn và có nguồn thu lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân và địa phương Thừa Thiên - Huế. Trong đó, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đều ghi nhận Thừa Thiên - Huế có tiềm năng rất lớn và đa dạng để khai thác, xây dựng những sản phẩm du lịch riêng của địa phương, tuy nhiên du lịch Thừa Thiên - Huế vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng vốn có về văn hóa ẩm thực, làng nghề, du lịch sinh thái cộng đồng mà xu hướng khách du lịch quốc tế đang rất quan tâm. Hiện nay, du khách đến Huế dù muốn nán lại lâu thêm cũng không biết đi đâu và làm gì bởi Huế chưa có nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm hàng lưu niệm, những hàng hóa đặc trưng riêng hay điểm vui chơi giải trí phong phú để cho du khách có thể mua sắm, tiêu tiền. Quy mô tổ chức các điểm đến du lịch chưa bài bản, chuyên nghiệp, cần có sự thay đổi, làm mới sản phẩm du lịch ngoài các tuyến điểm du lịch truyền thống. Đồng thời, một số đại diện các doanh nghiệp lữ hành lớn của Hà Nội cũng đã có những chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các ý tưởng thiết kế các sản phẩm tour ngắn ngày dành cho du khách Tây “ba lô”, cách để kích thích khả năng tiêu tiền của khách và khẳng định tính liên kết trong quảng bá du lịch rất quan trọng vì một tour không bao giờ dành cho một điểm đến duy nhất vì thế ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên con đường di sản miền trung để cùng quảng bá một chuỗi tour du lịch dài ngày đến với du khách toàn cầu. Qua đó dễ dàng tiếp cận hình ảnh Du lịch Thừa Thiên - Huế với du khách thế giới hơn, tăng khả năng thu hút du khách đến Huế nhiều hơn thông qua con đường trực tiếp đến Huế và nối tour giữa các điểm đến.
Minh Hạnh