Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ không chỉ đáp ứng được cả 5 tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể thế giới quy định tại Công ước 2003, mà còn được các chuyên gia tư vấn về văn hóa đánh giá rất cao.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bao gồm các nghi lễ, sản vật cung tiến, hành hương về nguồn và một loạt các hoạt động khác được tổ chức trong hơn một trăm làng ở tỉnh Phú Thọ và các nơi khác trong cả nước. Nghi lễ này thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng. Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.
Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn về lịch sử, văn hoá và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc Việt Nam vuợt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển. Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là hình ảnh về tính bản sắc và sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cũng tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn di sản phi vật thể đã công nhận 25 di sản mới vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa thế giới thứ 14 của Việt Nam, trong đó tỉnh Phú Thọ có hai di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan.
Thu Lan