
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh sáng kiến của Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị này tạo cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đây là một hình thức hợp tác công tư ít tốn kém nhất và mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương lắng nghe ý kiến và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội để hiểu hơn khó khăn của doanh nghiệp, nhu cầu đổi mới các chính sách nhà nước…
Gần 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã tham dự hội nghị và có nhiều ý kiến đề xuất thiết thực đến từ các doanh nghiệp lớn như Saigontourist, Vietravel, Công ty Du lịch Hòa Bình, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Hanoitourist, Công ty Lữ hành Hương Giang, Tổng Công ty Thắng Lợi, Vietjet Air… Các ý kiến thẳng thắn, phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém đang là rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Du lịch, trong đó có nhiều vấn đề đã tạo nên bức xúc, không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.

Các doanh nghiệp đề xuất nhiều vấn đề về chính sách đối với doanh nghiệp như: giá tính thuế sử dụng đất tại các khách sạn, resort, các khu giải trí, phần diện tích không xây dựng quá cao đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp; khách sạn, nhà hàng phải trả tiền điện nước với giá quá cao so với các lĩnh vực khác; nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Trong thời điểm khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn và đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ như: giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế, triển khai các chương trình kích cầu du lịch để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và ngành Du lịch nói chung. Trong thời gian tới, Du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh khai thác các thị trường có khả năng chi tiêu cao, thị trường truyền thống, chuyển mạnh sang phát triển du lịch bền vững, có chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới.
Bên cạnh đó, các ý kiến của các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn Nhà nước nên tập trung tháo gỡ khó khăn, có những chính sách thực tế và hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị trăn trở, lo lắng khi phải đối mặt với khó khăn trong thời gian tới. Năm 2013, tình hình có thể nhiều khó khăn hơn, vì vậy, ngay từ lúc này, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch ở trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp cần tích cực hơn, chủ động hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị
Thay mặt Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp; đồng thời giao Tổng cục Du lịch là đầu mối tổng hợp và đề xuất nội dung, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bức xúc mà các doanh nghiệp nêu ra báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch trong cuộc họp tới đây, sớm ban hành hướng dẫn khung chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị hàng năm nên tổ chức hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp để tạo ra một diễn đàn đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2012, ngành Du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đón được 6,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 11% so với năm 2011, phục vụ 32,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 7% so với năm 2011, tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt 160 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. |
Hạ Tinh