LSD là một chất bán tổng hợp từ một loại nấm thường mọc trên cây lúa mạch ở vùng Trung Á. Đây là một chất không màu, không mùi và không vị. Tuy nhiên, đây lại là một chất gây ảo giác mạnh nhất trong số các chất gây ảo giác từng được biết. Liều sử dụng thường gặp trong thực tế là từ 50 – 100 microgam.
Ngay sau khi sử dụng, chất LSD sẽ ngấm vào niêm mạc lưỡi, đi vào máu, tác động vào hệ thần kinh gây ra các ảo giác mạnh. Chất này sẽ bóp méo các thông điệp về màu sắc, hình ảnh, âm thanh trước khi chúng đến não làm cho họ cảm nhận sai lệch về thế giới xung quanh. Cảm giác đầu tiên là bị nhấn chìm trong một thế giới mà các vật liên tục thay đổi hình dạng; căn phòng nơi họ đang đứng trở nên rộng lớn thênh thang như một sàn nhảy. Âm thanh có thể nhìn được và màu sắc có thể ngửi được. Họ ngồi mà nghĩ là đang đứng; đứng mà nghĩ mình đang bay bổng trong không trung. Chính vì những cảm nhận sai lệch về thế giới xung quanh mà một số người có thể tự sát một cách vô thức. Tác động của LSD có thể kéo dài tới vài ngày.
Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi sử dụng loại ma túy này, LSD được liệt vào nhóm “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội” (thuộc Danh mục I, Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất của Chính phủ).
Chuyên trang thông tin về phòng chống ma túy drugfreeworld.org cho biết LSD là hoạt chất kích thích thần kinh cực mạnh, được tìm ra bởi nhà khoa học Thụy Sĩ - Albert Hofmann vào năm 1943.
Khi phát minh ra hoạt chất này, ông Hofmann hy vọng sẽ đóng góp nhiều cho việc chữa trị các căn bệnh về thần kinh. Tuy nhiên, lợi dụng chất kích thích này, người ta đã sử dụng chúng như một chất kích thích cực mạnh.
Dân chơi gọi LSD là “bùa lưỡi", “tem thư", “kẹo dán”… do được tẩm vào miếng giấy nhỏ có in hình các nhân vật hoạt hình, hoặc hình thù ngộ nghĩnh có nhiều màu sắc vui mắt để hấp dẫn dân chơi và qua mặt cơ quan phòng chống ma túy.
Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5cm x 1,5cm. “Viên giấy” được gắn một lớp nilon mỏng có khả năng tan trong nước và chất cồn. Nó có tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác - lưỡi.
Thời gian để “bùa lưỡi” tan hết trong miệng thường là 3 giờ, “thuốc” sẽ tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng. Ảnh hưởng LSD là không thể đoán trước được, tùy theo lượng thuốc sử dụng, tâm trạng, tính cách của người sử dụng, và môi trường xung quanh.
Thông thường, LSD sẽ bắt đầu có tác dụng sau 90 phút kể từ khi sử dụng. Các triệu chứng đầu tiên là giãn đồng tử, thân nhiệt thất thường, huyết áp và nhịp tim rối loạn. Một số người còn có thể đổ mồ hôi như tắm, hoặc cảm thấy ớn lạnh. Người sử dụng LSD sẽ cảm thấy mất đi vị giác, mất ngủ, khô miệng, run rẩy, tâm trạng thay đổi thất thường. Thị giác của họ cũng trở nên nhạy cảm hơn đối với một số màu sắc.
Do LSD thuộc nhóm chất gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới bộ não nên có thể gây ra bệnh tim mạch, đau cơ không chỉ trong lúc sử dụng “thuốc” mà còn kéo dài sau thời gian sử dụng.
Bên cạnh đó, LSD sẽ tích tụ dần trong cơ thể, khiến cơ thể “nhờn” thuốc, đồng nghĩa với việc người dùng càng phải sử dụng nhiều thuốc hơn mới có thể rơi vào trạng thái “phê thuốc”. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây tổn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí là tâm thần phân liệt suốt đời.
TH