Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã báo cáo Bộ trưởng về quá trình thực hiện, tiến độ thực hiện Quy hoạch đến thời điểm hiện tại. Liên danh đơn vị tư vấn báo cáo Bộ trưởng những nét cơ bản về quan điểm, mục tiêu thực hiện Quy hoạch. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh và là điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu. Đến năm 2030 sẽ đón và phục vụ 150 triệu lượt khách nội địa, 35 triệu khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt 2.554 nghìn tỷ đồng, đóng góp 13,3% vào GDP. Tầm nhìn đến 2045 khẳng định được vai trò động lực kinh tế, là điểm đến nổi bật toàn cầu, thuộc nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực; đón và phục vụ trên 70 triệu khách quốc tế, 260 triệu khách nội địa; tổng thu từ du lịch 7.420 nghìn tỷ đồng, đóng góp từ 15-15,5% vào GDP. Quy hoạch đề xuất không gian du lịch Việt Nam sẽ có 6 khu vực, 6 vùng động lực, 3 hành lang du lịch và 71 khu du lịch quốc gia. Sản phẩm du lịch có 4 dòng chủ đạo là biển đảo, văn hóa, sinh thái, đô thị; các sản phẩm bổ trợ thế mạnh các địa phương: chăm sóc sức khỏe - chữa bệnh, nông nghiệp - nông thôn, thể thao, công nghiệp.
Cũng tại buổi làm việc, các đơn vị đã đề nghị liên danh đơn vị tư vấn xây dựng giải pháp mang tính khả thi riêng biệt theo các vùng; làm rõ khái niệm về “quy hoạch hệ thống du lịch”; mục tiêu quy hoạch cũng cần tính toán khả thi cho từng giai đoạn. Các ý kiến cũng cho rằng tầm nhìn quy hoạch cần được nghiên cứu dài hơi hơn, cân nhắc tính định hướng để làm rõ thêm phương án quy hoạch. Mặt khác, cần bổ sung tài nguyên phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là bản sắc văn hóa 54 dân tộc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng khu vực động lực cần nghiên cứu bổ sung thêm khu vực từ Ninh Bình đến Quảng Trị để thúc đẩy du lịch khu vực này phát triển. Liên danh đơn vị tư vấn cần nghiên cứu đề xuất các khu du lịch quốc gia để góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. Quy hoạch cũng cần thể hiện tính gắn kết, đa dạng của các sản phẩm chính, làm rõ nội hàm của các sản phẩm du lịch sinh thái, đô thị.
Kết luận tại buổi báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao việc xây dựng quy hoạch của liên danh đơn vị tư vấn, tuân thủ pháp luật, bám sát quy trình; đã phát hiện, phân tích, so sánh, đưa ra các ưu thế nổi trội và phương án phù hợp. Dù vậy, Bộ trưởng yêu cầu liên danh đơn vị tư vấn bổ sung các Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế - xã hội các vùng và các kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về VHTTDL làm căn cứ xây dựng Quy hoạch; bổ sung phạm vi nghiên cứu cấp quốc gia có so sánh tương quan với quốc tế. “Trong đánh giá hiện trạng, cần rà soát toàn bộ, đánh giá lại tài nguyên văn hóa, sử dụng tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch thời gian qua; tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và dự báo tác động của con người; hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, điểm nghẽn, nguồn lực... Quan điểm là phát triển du lịch trên cơ sở phát huy yếu tố con người, phải lấy giá trị văn hóa con người làm nền tảng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, con người giữ vị trí, vai trò trung tâm trong kiến tạo sự phát triển du lịch, không có người thì không thể làm được gì.
Bộ trưởng cũng cho rằng, mục tiêu của quy hoạch cần làm rõ, không phải dựa vào việc đón tiếp bao nhiêu khách mà phải dựa trên khả năng đóng góp của khách du lịch vào GDP. Sản phẩm phải được thống kê theo nhóm một cách rõ ràng, tránh việc quy hoạch làm triệt tiêu sản phẩm của các địa phương; về không gian phải định hình rõ vai trò kết nối các địa phương của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các giải pháp đề xuất phải được tính toán trên sở giải quyết các điểm nghẽn.
Phước Hà