Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy từng bước được củng cố về tổ chức và nâng cao năng lực, đấu tranh có hiệu quả nhiều vụ phạm tội về ma túy. Công tác tổ chức cai nghiện được triển khai rộng khắp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình hành động và ban hành các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, đạt hiệu quả bước đầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được duy trì thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức và ý thức trách nhiệm tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn biến ngày càng phức tạp, phương thức th��� đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, thường lợi dụng vị trí địa lý của tỉnh làm điểm trung chuyển ma túy từ Tây Bắc về Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Tội phạm ma túy thường tự trang bị cho mình các loại vũ khí nguy hiểm và sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, sự mưu trí, dũng cảm đấu tranh với các loại tội phạm ma túy, lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá nhiều vụ án quan trọng, phức tạp, đem lại bình yên cho xã hội.
Chỉ tính riêng năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Công an tỉnh Phú Thọ đã đấu tranh triệt phá 910 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy với hơn 1.400 đối tượng bị bắt giữ; thu giữ tang vật gồm 5492,5g heroin; 283,2g ma túy tổng hợp; 47,147g thuốc phiện, sái thuốc phiện, bộ đồ sử dụng ma túy đá cùng nhiều vũ khí nguy hiểm…
Cùng với sự phức tạp về tội phạm ma túy, trong những năm qua số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gia tăng, đặc biệt là người sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có cả sinh viên. Trước tình hình đó, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo các ngành với nòng cốt là lực lượng công an chủ động các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa; tập trung vào các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm thông qua các biện pháp nghiệp vụ và tăng cường quản lý người nghiện theo các Nghị định của Chính phủ. Trung tâm giáo dục lao động và xã hội hàng năm tiếp nhận, cai nghiện cho khoảng 500 đối tượng nghiện ma túy thông qua việc điều trị nghiện các chất thuộc dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 5 cơ sở điều trị: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Thọ, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, huyện Phù Ninh, huyện Thanh Sơn.
Hiệu quả của công tác điều trị có nhiều tích cực, có 80 – 95% bệnh nhân được điều trị bằng Methadone ngừng sử dụng ma túy.
Theo đánh giá của ngành Công an Phú Thọ, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống ma túy đạt được những kết quả tích cực nhưng tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng ma túy ở nơi khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Ðể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, gắn với phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy và người nghiện ma túy tại cộng đồng. Coi công tác phòng, chống ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương, các ngành, các cấp và cần quy định rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, bị xử lý, nếu để xảy ra tình trạng phức tạp về ma túy…
TH