Triển khai công tác cai nghiện ma túy và Đề án đổi mới công tác cai nghiện tại Việt Nam đến 2020
Báo cáo tại Hội nghị đã chỉ ra những kết quả đạt được trong thời gian qua tại các địa phương trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn những bất cập, hạn chế, tồn tại như tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã phát hiện, điều tra 10.256 vụ, bắt 15.298 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 478,7 kg hêrôin, 14,1 kg thuốc phiện, 112,7 kg cần sa khô, 796,4 kg cần sa tươi, 127,5 kg và 197.097 viên ma túy tổng hợp, cùng nhiều tài sản, tang vật khác. Việc sản xuất ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy dạng “đá” có quy mô ngày càng lớn...
Toàn cảnh Hội nghị (Nguồn: Internet))
Cả nước hiện có 60/63 tỉnh, thành phố có Trung tâm cai nghiện với tổng số 140 Trung tâm. Hàng năm, đã tổ chức cai nghiện cho từ 40.000 – 45.000 người nghiện ma túy và cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho trên 10.000 người nghiện. Tuy vậy, theo thống kê, cả nước vẫn có hơn 182.700 đối tượng nghiện ma túy, trong đó số người nghiện ở cộng đồng chiếm 65% và số người đang cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh là 24%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định một số điểm mới về cai nghiện so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995. Vì vậy, các cơ quan hành chính liên quan phối kết hợp để tập trung thống nhất, đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện công tác xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Về Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, sẽ thay đổi toàn diện nhận thức, quan điểm về nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và định hướng các phương pháp tiếp cận, giải quyết các vấn đề nghiện ma túy. Theo đó, Đề án được chia làm 2 giai đoạn chính bao gồm: từ nay đến 2015 và từ 2016 - 2020 với các nội dung nâng cao nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện; xây dựng mô hình cơ sở điều trị tự nguyện, hướng dẫn thí điểm chuyển đổi trung tâm cai nghiện bắt buộc thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện; phát triển cơ sở Methadone xã hội hóa tại các địa phương; rà soát các cơ sở y tế, phát triển điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng. Phấn đấu nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị lên 70%, tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm lên 50%. Đồng thời, cần phải định hướng sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, văn bản chỉ đạo để công tác cai nghiện ngày càng phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng của thế giới. Cần tiến tới đẩy mạnh quá trình xã hội hóa trong công tác cai nghiện, không trông chờ, ỷ lại nguồn kinh phí của Chính phủ và tài trợ quốc tế. Mặt khác, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội cần vào cuộc mạnh mẽ, chung tay góp sức để công tác cai nghiện ngày càng thu được kết quả tích cực hơn nữa.
PV