Thương hiệu quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế
Thương hiệu quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ sáu, 10/08/2007 | 10:10 GMT+7 Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mục tiêu của các quốc gia là thu được nhiều lợi ích nhất từ quá trình toàn cầu hóa. Thương hiệu quốc gia vì thế là một chiếc ô đem lại lợi ích và đóng vai trò đột phá đối với những sản phẩm và dịch vụ của một quốc gia khi xâm nhập thị trường quốc tế, bởi vì người tiêu dùng thay vì phải nhớ hàng nghìn thương hiệu hàng hóa và sản phẩm khác nhau thì chỉ phải nhớ thương hiệu của gần 200 quốc gia gắn với những sản phẩm đặc trưng gắn với quốc gia đó, chính vì vậy hiệu quả xâm nhập thị trường quốc tế sẽ cao hơn rất nhiều so với các nỗ lực của từng doanh nghiệp và tổ chức.
Mọi quốc gia đều có điểm mạnh và điểm yếu của mình, vì vậy một thương hiệu quốc gia có ấn tượng và hiệu quả là thương hiệu giới thiệu được những điểm mạnh của quốc gia mình và hạn chế những điểm yếu kém của quốc gia mình. Thương hiệu quốc gia không phải là một khái niệm bất biến, thương hiệu quốc gia biến đổi theo sự biến đổi của đất nước. Mặc dù có rất nhiều cách thức khác nhau để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia nhưng không vì thế mà trì hoãn hay bỏ qua một chương trình phát triển thương hiệu quốc gia tổng thể bởi thương hiệu quốc gia là chìa khóa quan trọng giúp một quốc gia trả lời câu hỏi quốc gia đó đang ở vị trí nào trên trường quốc tế. Phát triển thương hiệu quốc gia là định vị một quốc gia ở một vị trí tốt nhất trong hệ thống kinh tế toàn cầu với tất cả điểm mạnh và điểm yếu của quốc gia đó. Phát triển thương hiệu quốc gia không đơn giản là tạo ra một logo hay một câu khẩu hiệu, mục tiêu nó còn sâu xa hơn, quan trọng hơn là định vị một quốc gia để quốc gia đó có thể đạt được thành công lớn nhất trong hệ thống các quốc gia, các nền kinh tế trên toàn thế giới, để thu được tối đa sự công nhận và lợi ích từ cộng đồng quốc tế, thiết lập một mối quan hệ thương mại sâu rộng với cộng đồng quốc tế và xây dựng một nền công nghiệp lành mạnh. Khi thực hiện tốt những việc này, quốc gia đó sẽ đem lại lợi ích lớn và những giá trị mới cho người dân nước mình bằng cách tạo ra việc làm và sự thịnh vượng.
Chính mỗi quốc gia phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho mình và phải đầu tư công sức và tài chính cho việc quản lý và xúc tiến thương hiệu quốc gia. Nhiệm vụ quan trọng này đương nhiên phải do Chính phủ đảm nhận, chỉ có Chính phủ mới có đủ sức mạnh chính trị và những nguồn lực để dẫn dắt đất nước trong tiến trình phát triển nói chung và xây dựng thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, chương trình thương hiệu quốc gia cần phải có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức có liên quan khác bởi như đã phân tích, thương hiệu quốc gia đem lại lợi ích cho các cá nhân, tổ chức trong một quốc gia. Vì thế, các tổ chức này khi tham gia vào hoạt động xúc tiến thương hiệu quốc gia thì quá trình quảng bá thương hiệu quốc gia sẽ hiệu quả và có phạm vi rộng khắp, đem thông điệp đến được nhiều người và nhiều đối tượng khác nhau. Khi Chính phủ làm rõ được lợi ích đối với cả nền kinh tế khi xây dựng được một thương hiệu quốc gia thì sẽ nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều các thành phần trong xã hội và mọi công dân, tổ chức trong một quốc gia sẽ trở thành những thành viên tích cực xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về quốc gia mình.
Tuy nhiên, xây dựng và quảng bá một thương hiệu quốc gia thành công không phải là một công việc dễ dàng. Mỗi quốc gia cần phải thiết lập một thương hiệu bao hàm nhiều nhân tố như địa danh, con người, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống, những ngành kỹ nghệ, tính cách và sở thích của người dân, tài nguyên thiên nhiên và những yếu tố lịch sử đa dạng khác của một quốc gia. Một thương hiệu quốc gia thành công sẽ thể hiện và miêu tả những nhân tố tích cực khác nhau của một quốc gia. Một thương hiệu quốc gia tốt sẽ chuyển tải sự phức tạp của một quốc gia muốn tìm kiếm và thể hiện bản sắc quốc gia mình thành những thông điệp đơn giản và hiệu quả và cô đọng, thu hút được và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tạo ra một thương hiệu và có thể tin cậy được, đi thẳng vào lòng du khách và người tiêu dùng quốc tế.
Thương hiệu quốc gia rõ ràng là một công cụ hữu ích của mỗi một quốc gia khi tham gia vào thị trường quốc tế, chính vì thế trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, quốc gia nào xây dựng được một thương hiệu quốc gia ấn tượng, tổ chức tốt các chương trình quảng bá thương hiệu quốc gia thì quốc gia đó sẽ thu được những lợi ích cao hơn những quốc gia không xây dựng thương hiệu quốc gia.
Ths. NGUYỄN ANH TUẤN