Trong xu thế nền kinh tế hội nhập, để tạo cho địa phương có vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế, ngành Du lịch Lâm Đồng không thể không tính đến vấn đề đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.
Nhu cầu du lịch trên thế giới tăng mạnh, xu thế du lịch thế giới phát triển theo hướng chuyển dần sang khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khu vực Đông Nam đến năm 2020 sẽ đón khoảng 125 triệu lượt khách quốc tế… Đây sẽ là cơ hội đầy hứa hẹn để Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Lâm Đồng nói riêng ngày càng mở rộng và phát triển.
Để làm cơ sở xây dựng giải pháp hữu hiệu phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội và khắc phục điểm yếu, giảm thiểu nguy cơ cho Du lịch Lâm Đồng, tác giả đã thiết lập ma trận SWOT; đồng thời tiến hành phát 250 phiếu điều tra cho các đối tượng là du khách nước ngoài (60 phiếu) và khách trong nước (190 phiếu) tại hơn 30 khách sạn lựa chọn ngẫu nhiên. Kết quả điều tra được xử lý bằng phần mềm SPSS 13.0 với thang đo likert 5 điểm. Kết quả nghiên cứu cho thấy du khách đánh giá thực trạng các sản phẩm du lịch Lâm Đồng còn kém. Điểm trung bình các sản phẩm du lịch chỉ nằm ở mức từ 2.50 - 2.97.
Về đánh giá thực trạng các yếu tố cấu thành, tác động đến sản phẩm du lịch Lâm Đồng, du khách đánh giá ở mức độ bình thường và kém. Yếu tố giá cả được du khách đánh giá không cao (2.91 điểm /5). Đây chính là vấn đề các nhà quản lý cần lưu tâm trong việc quản lý giá cả thị trường, đặc biệt là tại Đà Lạt vào mùa đông khách. Yếu tố dịch vụ vui chơi giải trí khách đánh giá là kém nhất (2.76 điểm/5). Chỉ có yếu tố khí hậu và vấn đề an toàn được du khách cho là tốt (4.07, 3.98 điểm/5), đây chính là lợi thế cần được duy trì và phát huy. Như vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Du lịch Lâm Đồng.
Một số giải pháp
Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao chuyên ngành Du lịch tại địa phương; mặt khác có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân tài phục vụ cho ngành Du lịch Đà Lạt.
Thứ hai, phát triển hình thức vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại.
Thứ ba, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao độc đáo và đa dạng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch sinh thái; tạo thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp yoga hoặc thiền; kết hợp du lịch hội nghị với các dịch vụ dã ngoại, ẩm thực ngoài trời; đầu tư xây dựng một số buôn làng dân tộc theo truyền thống để du khách tham quan và hòa nhập với sinh hoạt của đồng bào; kết hợp du lịch miệt vườn với việc thưởng thức các đặc sản địa phương. Trong đự, cần tạo những ấn tượng đặc biệt về hoa trái của TP. Đà Lạt để du khách có thể xem, mua và nghiên cứu. Phát triển hệ thống dịch vụ khách sạn cao cấp, dịch vụ ăn uống sang trọng.
Thứ tư, mở rộng liên doanh liên kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài nước. Công việc này không chỉ mở rộng thị trường, giảm bớt áp lực cạnh tranh mà còn tạo ra một số sản phẩm du lịch mới.
Thứ năm, Tỉnh cần có chính sách để khắc phục có hiệu quả hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá, chèn ép giá đối với du khách.
Triển khai và thực hiện tốt những giải pháp trên, hy vọng Du lịch Lâm Đồng sẽ phát triển toàn diện và bền vững.
NGUYỄN VĂN VÕ
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 8/2007